Anh – Chiến Binh Sales Thực Thụ

[MS017]

Một buổi sáng như thường lệ ngồi nhâm nhi tách café. Tay cầm chiếc điện thoại, tôi lướt facebook theo thói quen. Thấy thông tin về cuộc thi: “sếp thì sao?” hiện lên trên fanpage Nhà Mường, với sự tò mò tò mò và có phần thích thú, tôi đã vào xem chi tiết. Sau khi tìm hiểu thể lệ thi, tôi xem tiếp phần danh sách các “sếp”. Những cái tên hết sức thân thuộc, hầu hết là những anh,chị “sếp” chuyên môn tôi đã từng được gặp và tiếp xúc. Những người mà cả trong công việc lẫn ngoài cuộc sống tôi đều dành sự kính trọng, quý mến. Sau một phút suy nghĩ cùng với dòng cảm xúc và ấn tượng của riêng cá nhân mình, trong đầu tôi hiện lên cái tên nổi bật. Đó chính là anh Nguyễn Mạnh Việt, giám đốc kinh doanh văn phòng điều hành Tập đoàn. Với tôi anh Việt vừa là một người sếp, một người đồng nghiệp và là một người anh.

Lần đầu gặp anh trên đất xứ Lạng khi anh lên hỗ trợ phòng Kinh doanh khách sạn Mường Thanh Luxury Lạng Sơn. Khi đó tôi mới được điều chuyển lên nhận công tác tại khách sạn và anh cũng mới về làm việc cho tập đoàn. Mọi thứ ban đầu với tôi giống như một thử thách vô cùng khó khăn cho nhiệm vụ mới ở một thị trường gần như lạ lẫm. Ngay buổi đầu tiên khi lên công tác, sếp Việt đã “set up” một buổi làm việc, nói đúng hơn là cuộc trò chuyện riêng với tôi.  Ấn tượng ban đầu về anh chính là việc anh nói ngọng “L với N” cùng với cái chất giọng có một chút gì đó hơi “quê quê”. Nó khiến tôi giật mình và phải hỏi luôn về quê quán của anh. Biết đâu tôi và anh là đồng hương, vì quê tôi mọi người cũng nói ngọng “L với N” và có chất giọng “sền sệt” như thế. Sau đó khi biết sếp quê Hà Nam chứ không phải Thái Bình, nhưng ngay lần đầu tôi cảm thấy gần gũi trong cách nói chuyện chính nhờ cái tương đồng trong chất giọng mang tính “quê hương” đó. Vượt qua những sự “bỡ ngỡ” và “khuôn phép” ban đầu của cuộc trao đổi giữa nhân viên và sếp, cuộc trò chuyện trở lên “cởi mở” hơn. Sau khi nghe tôi những chia sẻ về những băn khoăn trong công việc và kế hoạch sắp tới, anh đã động viên bằng những định hướng và dẫn dắt dựa trên kinh nghiệm của mình. Ngay buổi sau đó, đích thân anh với sự hướng dẫn của bạn nhân viên kinh doanh là người bản địa đã đi khảo sát thị trường các đối thủ cạnh tranh. Với những kỹ năng của một “dân sale” kỳ cựu, anh đã hóa thân thành các nhân vật như: doanh nhân đi công tác, điều hành tour đi khảo sát thị trường….  Anh đã trực tiếp vào từng khách sạn đối thủ, “điều tra” về từng loại giá và các dịch vụ một cách chi tiết, cụ thể. Thực sự sau cái lần “đầu tiên” được tiếp xúc với anh đó, tôi đã thấy một anh – một người sếp Kinh doanh thực thụ, mang trong mình sự năng động và xông xáo đúng tính cách của dân Sales mà tôi sẽ cần phải học hỏi rất nhiều.

Thời gian sau này, mỗi khi cần xin ý kiến chủ trương trong kế hoạch kinh doanh của mình, tôi đều gọi trực tiếp cho anh. Đúng như tinh thần của người làm kinh doanh, điện thoại của sếp luôn trong chế độ “sẵn sàng mọi lúc”. Có những lần sếp ốm nghỉ làm ở nhà, khi tôi gọi sếp bắt máy với giọng nói “khàn khàn” và những tiếng ho “khụ khụ” nhưng cố gắng nói chuyện, đưa ra những gợi ý, hướng dẫn để định hướng cho tôi. Cũng có đôi lúc sếp bận họp hoặc đang đi công tác chưa thể nghe máy thì một điều mà tôi có thể yên tâm và “mặc định” đó là sếp sẽ gọi lại ngay khi xong việc. Đứng trên lập trường của dân sales, anh luôn tạo điều kiện tối đa và linh động hỗ trợ cho các đề xuất liên quan đến khách hàng. Bên cạnh đó, trong cùng một vấn đề nhưng anh cũng góp ý và đưa ra thêm nhiều khía cạnh khác nhau, phân tích những tác động tích cực và tiêu cực, kèm với đó là những ảnh hưởng có thể có đến việc hoạt động kinh doanh trước đây và cả sau này khi đưa ra bất cứ một chương trình sales nào. Khả năng phân tích và lập luận của anh dựa trên nền tảng khoa học, có cơ sở và dữ liệu cụ thể. Sếp đã từng bảo với tôi: “em hãy báo cáo và đề xuất với anh bằng những con số cụ thể, không báo cáo chung chung”. Đây cũng là tính cách và phong cách làm việc mà tôi đã và đang học tập từ anh. Một điều tôi ấn tượng nữa về sếp Việt đó chính là tính cương quyết trong công việc. Tôi đã từng thấy anh đứng trước rất nhiều người để phản biện lại các ý kiến trái chiều với chủ trương anh đưa ra. Với những lập luận chặt chẽ cùng với khả năng phân tích như tôi đã đề cập ở trên, anh đã thuyết phục được những người phản biện một cách tâm phục khẩu phục.

Ngoài công việc, anh còn là một người đồng nghiệp thân thiện và nhiệt tình. Trong các cuộc giao lưu, những dịp được “chén chú, chén anh” cùng với sếp, tôi thấy sếp luôn vui vẻ và hết mình. Anh từng nói: “làm sales thì phải nói được, làm được và chơi được”. Đặc biệt, với “tửu lượng” cũng thuộc hàng “khá” theo thước đo của một người uống được “ít” như tôi. Anh luôn là người chủ động trong các cuộc vui, đặc biệt những dịp giao lưu đội sales thì anh luôn hết mình, sẵn sàng “quẩy hết nấc” cùng anh chị em. Một điều nữa ở anh mà tôi đã được nghe rất nhiều anh chị trong phòng kinh doanh VPĐH hay nhắc tới đó là vốn thơ văn khổng lồ mà anh đã “tích tụ” được. Ồ! Thông tin này thú vị đấy chứ! nhất định tôi phải trực tiếp tìm hiểu và kiểm chứng để một ngày có thể đọ vốn liếng thơ văn cùng sếp

Sau cùng với tất cả những tình cảm quý mến của cá nhân mình dành cho sếp Việt, chúc anh luôn mạnh khỏe, luôn là đầu tàu và thủ lĩnh tin cậy của đội ngũ nhân viên kinh doanh. Và xin được gửi tặng anh một bài thơ thay cho lời kết:

Viết về anh – người chiến binh quả cảm
Của đoàn quân trên mặt trận kinh doanh
Mang trong mình bao nhiệt huyết tuổi xanh
Anh đã đến, niềm tin sales vững bước

Vẫn biết rằng, bao khó khăn phía trước
Khi thị trường, lượng khách sụt giảm sâu

Mục tiêu kia, thực sự rất đau đầu

Để đạt được, cần có anh dìu dắt

 

Niềm tin kia, đừng bao giờ để tắt

Cháy hết mình, luôn xông xáo vươn lên

Lời anh dặn, sales ơi nhớ đừng quên

Đã nói được, thì làm cũng phải được

 

Lòng quyết tâm, đưa ta về phía trước

Như con tàu, vượt biển sóng trùng khơi

Thuyền trưởng kia, chẳng ai khác sếp tôi

Đang chèo lái, đội quân sales tiến bước.

 

Alex Nguyễn – Mường Thanh Luxury Bắc Ninh

Lưu ý: Nhà Mường xin được để nguyên văn phong, kết cấu và chính tả của i dự thi.

Tin cùng chuyên mục