Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Khai thác tiềm năng đặc thù cho sự phát triển bền vững”

Khẳng định như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ vào chiều 4.1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển sôi động, mỗi địa phương cần lựa chọn và khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù của mình.

Với những thế mạnh riêng có, nơi khởi nguồn những giá trị thiêng liêng của vùng Đất Tổ, Phú Thọ cần ưu tiên lựa chọn để phát triển hài hòa giữa kinh tế và các giá trị văn hóa truyền thống.

Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Ngọc Ân, bên cạnh những thành tích và chuyển biến trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, Phú Thọ xác định du lịch là một trong bốn khâu đột phá để phát triển KT-XH của địa phương. Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Tăng cường quản lý các khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú, hoạt động lữ hành, áp dụng thực hiện Bộ quy tắc Ứng xử văn minh du lịch của Bộ VHTTDL nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách… là những ưu tiên của địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch, thu hút du khách…”, ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết.

Năm 2017, du lịch tỉnh Phú Thọ ước đạt 2.350 tỉ đồng; đón và phục vụ khoảng 500 ngàn lượt khách lưu trú. Về thu hút đầu tư, năm qua tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình du lịch trọng điểm như dự án Khách sạn Mường Thanh Luxury Phú Thọ (Việt Trì) tiêu chuẩn 5 sao; dự án Khu du lịch Vườn Vua (Thanh Thủy); các dự án tu bổ, tôn tạo thuộc Đề án Bảo tồn và phát huy Di sản Hát xoan Phú Thọ…

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Ngọc Ân, bên cạnh đó còn là một số hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận, như: công tác tuyên truyền, cổ động, chiếu phim, trưng bày chưa sáng tạo; việc chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật còn hạn chế. Thể thao quần chúng tự phát. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp; năng lực và chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú; chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm tham quan du lịch chưa đồng bộ…

Trong định hướng phát triển thời gian tới, việc nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch, tour tuyến hiệu quả, đưa du lịch phát triển xứng tầm được xác định là một trong những khâu đột phá. “Khuyến khích xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng sẽ là hướng đi của địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Phú Thọ chủ trương tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, mời gọi đầu tư vào du lịch; tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2020- 2025 có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch…”, theo Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Ân.

Khai thác tiềm năng đặc thù để phát triển

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ tạo điều kiện và hỗ trợ địa phương phát triển. Theo đó, Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh một số đề xuất cần được sự hỗ trợ từ phía Bộ VHTTDL. Đặc biệt là sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị hai di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Cũng theo ông Bùi Minh Châu, trong bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều tác động qua lại, Phú Thọ xác định tạo hướng phát triển từ du lịch là bền vững nhất. Những tiềm năng, lợi thế của địa phương nếu được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ phía các cơ quan chuyên môn của Bộ VHTTDL sẽ tạo đà và động lực quan trọng cho sự phát triển. Đề nghị Bộ xem xét, đồng ý chủ trương đề xuất Thủ tướng bổ sung Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, cho phép lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vườn Quốc gia Xuân Sơn đến năm 2030.

Đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong năm qua, đặc biệt trong năm 2017, Bộ trưởng chúc mừng Phú Thọ có thêm di sản Hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Niềm tự hào của quê hương Đất Tổ cũng đồng thời là tài sản văn hóa vô giá của cả nước. Vì vậy, đề nghị địa phương cần có những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh”, Bộ trưởng phát biểu.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế phát triển như hiện nay, việc xác định du lịch – văn hóa là định hướng phát triển bền vững là con đường đi lý tưởng. Tuy nhiên, từ mục tiêu cần tập trung xây dựng các quy hoạch, chiến lược và đầu tư có tầm nhìn. Đối với khu vực có các di tích đặc biệt quan trọng như Khu Di tích Đền Hùng, mọi định hướng phát triển đều nhất thiết dựa trên cơ sở nền tảng là sự bảo tồn và phát triển, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và những giá trị truyền thống.

“Đặc biệt, bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, Phú Thọ cần nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù. Cần tận dụng, khai thác thế mạnh từ những tiềm năng văn hóa, du lịch riêng có cho sự phát triển bền vững. Với Phú Thọ, đó là Hát xoan, là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và rất nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quan trọng khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về phía Bộ VHTTDL, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, giúp đỡ Phú Thọ đạt được những mục tiêu phát triển trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong thời gian tới.


Đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong năm qua, đặc biệt trong năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng Phú Thọ có thêm di sản Hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Niềm tự hào của quê hương Đất Tổ cũng đồng thời là tài sản văn hóa vô giá của cả nước. Vì vậy, đề nghị địa phương cần có những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Theo: Bảo Ngân – Báo Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục