Du lịch Việt Nam: Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm là yêu cầu hàng đầu

Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức sáng 29/8 tại Hà Nội.

Những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ngày 16.1.2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay ngành du lịch, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang tập trung đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – cho biết:

“Có thể nói, Nghị quyết 08 là một dấu ấn lịch sử trong gần 60 năm hình thành và phát triển ngành Du lịch Việt Nam (DLVN). Trước hết, Nghị quyết 08 xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch là định hướng chiến lược đối với sự phát triển KTXH.

Đồng thời, du lịch được khẳng định là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Nghị quyết 08 xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đây là quan điểm rất đột phá, khắc phục điểm yếu của DLVN trước đây vì thiếu sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành.

Nghị quyết cũng góp phần giải quyết các điểm nghẽn về chính sách, đồng thời xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ và toàn diện phải thực hiện trong thời gian tới, là cơ sở cho du lịch phát triển đột phá trong thời gian tới.”

Có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của DLVN còn manh mún, quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao nên giá trị thu được thấp. Xin ông cho biết ý kiến về nhận định này?

Trước hết phải khẳng định hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, mặc dù chưa đồng đều ở từng địa bàn, nhưng ở những vùng trọng điểm đã tiệm cận với trình độ hàng đầu thế giới. Năm 2016, cả nước có hơn 1.600 DN lữ hành quốc tế, hơn 21.000 cơ sở lưu trú với hơn 420.000 buồng, tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2011.

Đáng lưu ý, giai đoạn 2011-2016, số lượng các khách sạn 4-5 sao tăng cao hơn mức tăng trung bình (17% đối với khách sạn 5 sao, 13% đối với khách sạn 4 sao). Năm 2016, cả nước đã có 107 khách sạn 5 sao và 230 khách sạn 4 sao.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại đã hình thành tại nhiều địa phương, như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long, hệ thống khách sạn Mường Thanh tại trên 30 tỉnh/thành phố, các dự án của FLC tại các địa bàn du lịch trọng điểm…

Bên cạnh đó là sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4-5 sao). Nhiều thương hiệu du lịch trong nước đã được hình thành bởi các nhà đầu tư chiến lược trong nước như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu… Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại VN như Accor, Marriott, Hyatte, InterContinental, HG, Four Seasons…
Trong thực tế, sản phẩm du lịch biển, đảo, văn hóa, sinh thái, thành phố và các sản phẩm du lịch chuyên đề đã được xác định và hình thành nhưng chưa thực sự rõ nét. Mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại VN ngày càng tăng, đạt trung bình 1.114USD.

Tuy nhiên, chi tiêu tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực còn chưa cao, chiếm khoảng 50%, phần còn lại là chi phí lưu trú, đi lại. Ở các trung tâm lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng ngày càng có nhiều khu tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực với quy mô lớn, chất lượng cao, nhưng ở các địa phương khác sản phẩm chưa phong phú, giá trị chưa cao nên chưa kích thích được du khách tiêu dùng nhiều.

Theo ông, cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng mức chi tiêu của khách du lịch?

Để tăng mức chi tiêu của du khách, một mặt ngành du lịch tiếp tục thu hút đầu tư phát triển mạnh hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án có quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh các trung tâm du lịch, khuyến khích đầu tư, phát triển sản phẩm chất lượng cao, bền vững ở các điểm đến phụ cận, có tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách và khuyến khích khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Ngoài ra, giá trị gia tăng của các sản phẩm tại địa phương có thể bán cho khách du lịch chưa cao. Vì vậy, chúng tôi sẽ triển khai những chương trình, dự án hướng dẫn, khuyến khích, giúp đỡ cộng đồng địa phương sản xuất các mặt hàng phù hợp, có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa và đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD như Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra, yêu cầu hàng đầu là phải nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DLVN so với các nước trên thế giới. 8 nhóm giải pháp Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đề ra thực chất cũng để thực hiện yêu cầu này.

Theo: Lan Phương – Báo Lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục