Là người Việt hãy nhìn lại chính mình

Dân tộc nào cũng có cái hay, cái đẹp nhưng cũng có những cái xấu, cái chưa hợp lý… Vấn đề quan trọng là biết hư thì sửa, biết xấu thì làm cho đỡ xấu và tiến tới làm cho đẹp hơn. Báo Nhà Mường xin chia sẻ bài viết của anh Trần Bá Tòng – Phó Giám đốc Mường Thanh Luxury Cần Thơ về chủ đề này.

1-Hay ồn ào nơi công cộng, chưa có ý thức tôn trọng người khác. Gặp nhau trên xe buýt, trên tàu, nhà ga… thường nói oang oang coi như không có ai. Vào quán nhậu thì “một, hai, ba… dô!…”. Vui đấy nhưng ảnh hưởng người khác. “Sáng tạo” đổi “bô” xe máy, đổi còi xe để tiếng nổ quái dị hơn. Hay làm ầm ĩ nơi cầu thang, nói chuyện tiếng to như cãi vã, nên mặt và cổ nổi đầy gân guốc…

2- Không có phong thái lịch sự khi giao tiếp, điệu bộ cử chỉ “quê mùa”. Khi nói chuyện thường không nhìn thẳng nên có cảm giác như muốn che giấu điều gì đó. Khi bắt tay quan trên hoặc người quan trọng thì cúi lưng rồi làm động tác “lật đật”.

Chưa được mời đã sỗ sàng ngồi chễm chệ nên thường ngồi sai vị trí theo ý muốn của gia chủ. Khi ngồi còn co chân lên ghế. Hay cười thì tốt nhưng nhiều khi cười rất vô duyên.

3- Không kiềm chế tốt nên hơi cãi vã là có thể dẫn đến đánh nhau, có khi còn rút cả dao ra đâm chém nhau trong khi vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng.

Đặc biệt người Việt hay sĩ diện hão (nhà chẳng có gì, thậm chí không có bộ bàn ghế, cốc chén ra hồn để tiếp khách, nhưng lại dốc hết tiền mua xe máy đẹp, điện thoại đẹp để khoe mẽ).

thoixau

4- Lúng túng, không tự nhiên trong ứng xử, nhất là các tình huống bất ngờ (khác với sự chuẩn bị). Rất ít người có tài hùng biện mà đa số phải giở giấy viết sẵn ra đọc, ngay cả đọc cũng vấp váp liên tục.

5- Bừa bãi, bạ đâu vứt đó mà ít tuân thủ nguyên tắc, quy định của cộng đồng. Như ăn chuối, ăn kẹo, kem, kẹo cao su… tiện tay vứt xuống đường. Tham gia giao thông thì mạnh ai nấy chạy, coi mặt đường như của riêng mình. Khi không có cảnh sát, sẵn sàng bất chấp. Sai thì cố cãi bằng được, không được thì xin xỏ, không xin xỏ được thì giở trò đút lót…

6- Hay cậy thế nhờ vả họ hàng là quan chức, “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”. Sẵn sàng đút lót để đạt mục đích, không chú tâm rèn luyện chuyên môn mà tìm mọi cách chạy vòng vo mang tính khôn lỏi. Sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt mục đích nên rất nhiều quan có chức to nhưng bất tài.

7- Hay nói nước đôi lập lờ nên nhiều khi không biết đâu mà lần. Có nhiều người trong phòng nhưng hai người thì thầm nhỏ to, mắt liếc ngang liếc dọc như đang nói xấu ai đó. Đi đường hay rẽ ngang mặc dù đang thực hiện một việc khác, tệ “buôn dưa lê”cũng từ thói quen này mà ra. Khi nhìn cái gì lạ thường không biết kiểm soát hành động như để mồm há hốc, mắt thô lố…

8- Ưa nịnh, khi bị phê bình hoặc tố cáo thường tấn công lại chính người đã tố cáo phê bình mình mà ít khi tự xem sai lầm ở chỗ nào. Hay tìm cách đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm… Nhiều nhà văn chẳng có tác phẩm nào gây sự chú ý của độc giả mà chỉ suốt ngày mượn mặt báo để khích bác nhau, lại còn chơi chữ nữa chứ!

9- Thụ động, sức sáng tạo kém khi ra bên ngoài do bị giáo dục một chiều, quen vâng lời. Phải mất một thời gian dài mới hòa nhập được.

10- Thích đủ thứ nhưng không muốn phải mất tiền (cũng do nghèo nên hèn?). Đi nhà hát, xem ca múa nhạc kịch… là để các nghệ sỹ có điều kiện sống và phát triển nghề phục vụ lại công chúng thì đa số thích xem ti vi (miễn phí) ở nhà.

Người nước ngoài nhìn người VIỆT

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Trần Bá Tòng – Phó Giám đốc Mường Thanh Luxury Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục