Luật sư: Chủ khách sạn có quyền từ chối phí tác quyền âm nhạc qua tivi

Các luật sư nói thu tiền tác quyền âm nhạc trong kinh doanh khách sạn chưa phù hợp dù Cục Bản quyền Tác giả khẳng định việc này đúng.

Đóng tác quyền âm nhạc trên tivi trong khách sạn là việc đang gây bàn tán. Ở cuộc họp hôm 25/5 tại Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền Tác giả và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đều khẳng định việc thu tiền là đúng luật (theo điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ và Nghị định 100).

Trước nhiều ý kiến tranh cãi về tính hợp lý trong cách làm của VCPMC, nhiều luật sư cho biết: hiện tại, Việt Nam chưa thể thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn. Các tổ chức kinh doanh hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu từ VCPMC.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) và ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (phải).

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) và ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (phải) tại cuộc họp ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội hôm 25/5..

Luật sư Phạm Minh Đức (Hà Nội) chia sẻ việc thu tác quyền là cần thiết, tuy nhiên, Việt Nam chưa thể áp dụng quy định này vì hạn chế ở mặt công nghệ, cụ thể VCPMC không thể kiểm soát thời lượng, tần suất khách sạn sử dụng tác phẩm.

“Ở nhiều nước châu Âu, người xem sẽ trả giá trực tiếp cho kênh truyền hình họ muốn thưởng thức. Bảng giá từng chương trình được niêm yết trong phòng khách sạn. Ở ta, các đài truyền hình đã đóng tiền tác quyền cho VCPMC, vì vậy, việc đơn vị này thu tiếp từ khách sạn là trùng lặp”, ông Minh Đức nhận định.

Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh (công ty luật Bảo An, Hà Nội), khoản 1 Điều 33 quy định đối tượng nộp tác quyền là “tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền”. Ông cho rằng khách sạn không thuộc diện trên. Ngoài ra, khoản 2 Điều 33 hướng đến đối tượng “sử dụng bản ghi âm, ghi hình…”. Luật sư Vinh kết luận nhóm khán giả luật đề cập mang tính chủ động, không phải dạng thụ động như người xem tivi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam – cho biết theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 100, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng”. Với quyền này, họ có thể cho phép người khác biểu diễn tác phẩm trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Theo luật sư Hậu, người biểu diễn ở đây phải là ca sĩ, nhạc công… hoặc chính tác giả. Khách sạn không thuộc đối tượng trên. Trong khi đó, theo khoản 4 Điều 23 Nghị định 100 về “quyền truyền đạt tác phẩm trước công chúng”, việc truyền đạt thuộc về đài truyền hình chứ không phải khách sạn.

“Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và bắt buộc phải làm, nhưng không thể bảo hộ một cách nhập nhằng, không rõ ràng, làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói. Ông cho rằng khách sạn có thể từ chối yêu cầu từ VCPMC bằng lập luận họ nghe nhạc nước ngoài, sử dụng máy tính kết nối internet chứ không phải tivi.

Nhiều chủ khách sạn ở thành phố Đà Nẵng cho biết họ không hiểu gì về việc thu phí khi bất ngờ nhận công văn từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam.

Nhiều khách sạn nói không ngại thực hiện nghĩa vụ và làm việc theo pháp luật. Tuy nhiên, khi họ yêu cầu VCPMC đưa ra văn bản chứng minh đã chuyển tiền cho những tác giả nào và bằng cách nào, VCPMC không trình ra được. “Đó cũng là lý do khiến chúng tôi lưỡng lự và phải xem xét kỹ trước khi quyết định”, một đại diện nói.

Đại diện hệ thống khách sạn Mường Thanh cho biết họ nhận được yêu cầu nộp tác quyền âm nhạc từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, VCPMC chỉ thông báo nộp tác quyền mà không giải thích rõ chi phí là bao nhiêu, cách thức đóng thế nào. Sau đó, khách sạn phản hồi rằng họ chỉ dùng các ca khúc được sáng tác độc quyền, lưu hành nội bộ, vì vậy, trung tâm không yêu cầu Mường Thanh nộp chi phí.

Chủ một khách sạn ở quận Hải Châu, Đà Nẵng kể khoảng hai năm trước, bà nhận điện thoại của một đơn vị đề nghị đóng tác quyền âm nhạc. “Lúc đó tôi đã không đồng ý, với lý do hàng tháng đã đóng tiền cáp tivi, đã mua lại tín hiệu rồi, giờ thu thêm tiền là không hợp lý”, bà nói. Sau đó, đơn vị này đến khách sạn thu tiền trực tiếp nhưng bà vẫn giữ quan điểm không đóng tiền.

Mới đây, khi nhiều khách sạn ở Đà Nẵng nhận được yêu cầu trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, khách sạn của bà không nằm trong danh sách. Việc liên hệ thu tác quyền mà không giải thích cụ thể và việc một khách sạn từng bị yêu cầu đóng tiền rồi lại lọt khỏi danh sách bị cho thể hiện sự bất nhất, không có nguyên tắc rõ ràng của đơn vị thu tác quyền.

Một khách sạn năm sao ở Hà Nội cho biết cách đây vài năm, họ đóng tác quyền cho VCPMC sau một thời gian dài đàm phán. Buổi đàm phán có sự tham gia của 10 khách sạn lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến khi trung tâm này liên hệ để gia hạn hợp đồng, các khách sạn lưỡng lự bởi chi phí tăng quá cao.

“Chúng tôi phải nộp tới trăm triệu đồng một năm, gấp nhiều lần so với trước đây. Nó không hợp lý chút nào. Chúng tôi đã phải đóng tiền cáp tới hàng trăm triệu đồng một năm. Vậy việc các đơn vị khai thác truyền hình phải nộp tác quyền cho VCPMC có ý nghĩa gì?”, một đại diện khách sạn bức xúc.

Trước các ý kiến bức xúc, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc của VCPMC – khẳng định: “Khách sạn mở tivi có âm nhạc phục vụ gián tiếp, dù ít hay nhiều cho doanh thu của khách sạn đó, tức là kinh doanh. Nguyên tắc là tổ chức cá nhân dùng âm nhạc phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì có nghĩa vụ trả tiền”.


Điểm b Khoản 1 Điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ ghi: Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

Khoản 2 Điều 35 Nghị định 100 ghi: Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác.


Theo: Vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục