Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Top 4 “cân sức” tiếp tục “làm khó” BGK vòng chung kết

Vòng chung khảo Cuộc thi Giọng hát xứ Nghệ 2017 đã gây ấn tượng mạnh với nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo – Trưởng Ban Giám khảo bởi sự xuất hiện nhiều giọng ca trẻ nhưng chững chạc với phong cách riêng. Với top 4 “một 9, một 10” vào chung kết, theo dự đoán của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sẽ tiếp tục “làm khó” BGK trong vòng chung kết để tìm ra người đăng quang và đại diện tham gia Liên hoan tiếng hát truyền hình – Giải Sao Mai khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017.
Xuất hiện nhiều giọng ca chững chạc.

Nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (Ảnh: Thùy Dương)

Nhà thơ – Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (Ảnh: Thùy Dương)

PV: Thưa nhạc sỹ Trọng Tạo, với tư cách là trưởng BGK Cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ, nhạc sỹ có đánh giá chung về chất lượng thí sinh vòng chung khảo năm nay như thế nào?

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Giọng ca xứ Nghệ 2017 đã xuất hiện nhiều giọng ca khá chững chạc, có màu sắc phong phú, không chỉ về giọng hát mà còn về phong cách biểu diễn. Bên cạnh đó, các thí sinh đã đầu tư khá lớn cho trang phục, phong cách biểu diễn để làm tôn lên bài hát. Tất cả đã làm cho không khí của những đêm nhạc hết sức sinh động, cuốn hút cả BGK lẫn người yêu nhạc.
Qua 3 đêm diễn với các phong cách: Thínhphòng cổ điển, dân gian và nhạc nhẹ, khán giả đã mãn nhãn với nhiều màn biểu diễn cùng chất giọng có chiều sâu theo cảm xúc riêng của mỗi thí sinh. Một điều mà tôi cảm thấy thú vị là các phần biểu diễn gần như không trùng lặp. Mỗi thí sinh là một phong cách, một cảm xúc, một sự thăng hoa…

Top 4 “cân sức”.

PV: Tôi cũng có chung sự thú vị của nhạc sỹ. Vậy ở mỗi dòng nhạc, nhạc sỹ có thể chia sẻ cái thú vị ấy qua từng phần biểu diễn của thí sinh? Trước hết, chúng ta sẽ nói về dòng nhạc thính phòng cổ điển.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Ở dòng nhạc thính phòng cổ điển, 10 thí sinh vào vòng chung khảo, theo tôi là “một 9, một 10”. Khoảng cách giữa các thí sinh không nhiều. Đối với Minh Thúy, bạn ấy không chỉ sở hữu một giọng hát thính phòng mà còn là một giọng hát có chiều sâu, có cách xử lí tác phẩm rất chuyên nghiệp, có sự truyền cảm đến người nghe, người xem. Với Sỹ Nhật, tuổi còn trẻ nhưng giọng hát đã vào độ chín, rất “bay”, dày dặn, giọng hát ấy đã thể hiện tình cảm một cách “đầy lưu luyến” trong một ca khúc viết về Bác Hồ, không bị căng cứng và rất tự nhiên.
Nguyễn Văn Châu có một giọng hát khá đẹp, bạn ấy chưa được từng trải trong câu chuyện ca hát, chưa được rèn luyện nhiều về kỹ thuật thanh nhạc nhưng lại khá chững chạc bằng chất giọng hào sảng, có thể dẫn người nghe đến với niềm tự hào về quê hương đất nước, tự hào về tuổi trẻ.
Với La Hoàng Quý, trong vòng chung khảo, bạn ấy đã chọn được bài hát có thể xem là “đất diễn” của mình nên bạn ấy gần như không gặp “sạn” trong suốt phần thi. Đối với một tác phẩm thính phòng cổ điển, người nhạc sỹ thường sử dụng phần đệm của piano với dụng ý để ca sỹ khoe hết giọng hát cùng nội lực. La Hoàng Quý đã hiểu “quy tắc này”, do vậy, đã xử lí tốt các cao trào của tác phẩm bằng nội tâm đầy mãnh liệt của mình.

PV: Vậy theo dự đoán của Nhạc sỹ, trong 4 thí sinh dòng thính phòng cổ điển vào chung kết, ai sẽ đi xa trong Giải Sao Mai lần này.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Dự đoán phải kết hợp nhiều điều kiện. Trong biểu diễn, có khi giọng hát rất tốt nhưng lại không may gặp phải một vài sơ suất thì cũng khó có giải. Tôi đặt nhiều hi vọng vào Minh Thúy và Sỹ Nhật – đây là hai thí sinh khả năng có nhiều thành công, tuy nhiênm thi cử sẽ đầy bất ngờ, và biết đâu chính cái bất ngờ ấy lại mang đến kết quả cho hai thí sinh còn lại.

PV: Chung khảo dòng nhạc dân gian, như nhạc sỹ đã chia sẻ vào cuối đêm diễn: Các thí sinh đã “làm khó” BGK. 4 gương mặt dòng nhạc dân gian có “một 9, một 10” như dòng thính phòng không ạ?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Nếu cho tôi chọn, tôi sẽ chọn 7 thí sinh. Nhưng rất tiếc, quy chế chỉ cho phép chọn 4 và 4 thí sinh này cũng đã làm thỏa mãn BGK và người xem.
Lê Ngọc Thúy – cô gái được xướng tên cuối cùng, với ca khúc “về Hà Tĩnh người ơi”, mặc dù đã được nhiều ca sỹ có tên tuổi thể hiện, nhưng Ngọc Thúy đã rất chững chạc trong xử lí, không hề giống những người đã từng hát. Thúy đem đến sự truyền cảm cho khán giả không chỉ bằng bản năng mà bằng cả sự điêu luyện trong kỹ thuật.
Đậu Thanh Tài là một gương mặt quen không chỉ trong giải Sao Mai mà trên các sân khấu chuyên nghiệp. Cuộc thi này không quá khó để Thanh Tài “khuất phục” BGK đi sâu vào chung kết. Thanh Tài có màu sắc riêng với sự luyến láy đặc trưng của dòng dân gian.

PV: Như vậy, chắc nhạc sỹ sẽ có nhiều tin tưởng về Thanh Tài trong Giải Sao Mai lần này?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Nếu trong chung kết, Thanh Tài chọn được bài hát mới mẻ sẽ gây được nhiều bất ngờ. Tôi đặt nhiều hy vọng về thí sinh này. Còn Quỳnh Anh, bạn ấy cũng đã thể hiện một cách khá hiện đại âm hưởng ca trù trong ca khúc “Trăng thức” cùng với sự duyên dáng rất nữ tính đã tạo dấu ấn trong lòng khán giả. Thùy Dung với ca khúc “Gái Nghệ”, bằng giọng hát và phong cách biểu diễn cùa mình cũng đã thể hiện sự đằm thắm của những con gái xứ Nghệ.

PV: Top 4 dòng nhạc nhẹ thì thế nào, thưa nhạc sỹ?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi cũng khá bất ngờ với thí sinh dòng nhạc nhẹ năm nay. Trong 4 thí sinh vào chung kết, thì 3 thí sinh nữ có ngoại hình đều nhỏ nhắn, nhưng có giọng hát và phong cách biểu diễn khá tốt. Trần Thị Huấn biểu diễn chững chạc, bản lĩnh. Phương Linh được đánh giá cao nhất với giọng hát dày dặn. Lê Thị Phong có giọng hát vang. Còn thí sinh nam duy nhất, Tuấn Phi thì trẻ trung, đẹp trai, chọn bài hát văn minh.

Dân gian sẽ là dòng nhạc chiếm ưu thế.

PV: Theo cách đánh giá của nhạc sỹ, những thí sinh top 4 đều “một 9, một 10” cả. Như vậy, chúng ta có thể thấy sự thành công bước đầu của Giải, ngay ở vòng chung khảo đã chọn được những thí sinh cân sức, cân tài, đúng không ạ? Nhạc sỹ có thể dự đoán dòng nhạc nào sẽ là ưu thế của thí sinh Nghệ An trong Giải Sao Mai 2017?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Trong vòng chung khảo, dòng dân gian có thế mạnh nổi bật. Nó cũng là truyền thống trong các Giải Sao Mai những lần trước của thí sinh Nghệ An. Phải thừa nhận, các ngôi sao nhạc nhẹ người Nghệ An cũng ít hơn các vùng miền khác. Chúng ta biết TP Hồ Chí Minh là cái nôi của nhạc nhẹ, còn Hà Nội chiếm thế mạnh về thính phòng cổ điển. Tôi vẫn nghĩ, Giải năm nay, Nghệ An cũng sẽ có ưu thế đối với dòng dân gian.
Cũng khó dự đoán, bởi với chính tôi, thí sinh gây cảm hứng đặc biệt cho tôi lại không thuộc về dòng dân gian đâu nhé, bởi nó có quá nhiều sự lựa chọn… (Cười), nhưng lại chưa lạ, chưa thật sự “độc”. Tôi cực “ép – phê” với Minh Thúy (dòng thính phòng) với một khả năng biểu cảm đặc biệt với chất giọng dày, kỹ năng xử lí tốt. Tuy nhiên, nếu thí sinh không có sự bứt phá thì kết quả vẫn chỉ là một dấu hỏi mà thôi. Đó là suy nghĩ của riêng tôi thôi nhé.

PV: Xin được hỏi ngoài lề một tí, trong thị trường âm nhạc hiện nay, theo nhạc sỹ, thí sinh nào sẽ dễ “ghi danh”?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi cũng hơi tiếc, thí sinh Vương Thị Phương Thảo đã dừng lại ở vòng chung khảo. Với ca khúc “Son”, thí sinh này đã trình diễn theo phong cách dân gian đương đại – một phong cách “hot”, dễ tiếp xúc và truyền cảm hứng đến khán giả. Và tôi tin, dù phải dừng lại nhưng bằng sự nỗ lực cùng những cơ hội mới, Phương Thảo sẽ sớm “ghi danh” trong thị hiếu âm nhạc hiện nay.

Nâng tầm quy mô giải.

PV: Vâng, sự chia sẻ rất thú vị. Với tư cách là trưởng BGK vòng chung khảo Cuộc thi Giọng hát xứ Nghệ – lần đầu tiên Đài PTTH Nghệ An phối hợp với Tập đoàn Mường Thanh tổ chức, nhạc sỹ đánh giá như thế nào về quy mô và cách thức tổ chức Giải?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Việc một Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào một hoạt động văn hóa do Đài PTTH địa phương tổ chức đã chứng tỏ quy mô của Giải. Lần đầu tiên, giải cấp tỉnh trao 50 triệu đồng tiền thưởng cho giải Nhất là một sự khích lệ lớn cho thí sinh. Bên cạnh đó, thí sinh hoàn toàn yên tâm tập trung cho các phần thi bởi đã được Tập đoàn Mường Thanh hỗ trợ ăn ở, luyện tập trong cả quá trình tham gia Giải.
Tôi cảm nhận rất rõ trách nhiệm bảo trợ văn hóa của Tập đoàn Mường Thanh thông qua Cuộc thi này. Tôi mừng vì điều đó.

“Quê hương cần, tôi sẽ về”.

PV: Thưa nhạc sỹ, nhạc sỹ cũng từng làm giám khảo nhiều cuộc thi trong cả nước, vậy, lần này về “cầm cân nảy mực” một cuộc thi diễn ra ngay tại quê hương của nhạc sỹ, nhạc sỹ có thể chia sẻ cảm xúc của mình?
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi rất xúc động. Quê hương tôi cần gì thì tôi sẽ về để giúp quê tôi, trong điều kiện và khả năng cho phép. Trách nhiệm đối với quê hương đã khiến tôi phải công tâm trong vai trò này, để phát hiện ra những tài năng âm nhạc thực sự. Mỗi một tài năng có cơ hội được tỏa sáng cũng là điều kiện để cái nôi văn hóa xứ Nghệ được nhiều biết đến. Đó là nhiệm vụ của văn nghệ sỹ chúng tôi.

PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trao đổi này. Và cũng như nhạc sỹ, tôi đã bắt đầu cảm thấy hào hứng với đêm chung kết khiến BGK phải “cân não” diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Diễn Lâm – Diễn Châu vào ngày 20/5. Chúc nhạc sỹ sức khỏe và mong Cuộc thi sẽ chấp cánh cho nhiều ngôi sao âm nhạc.

Theo Kim Bảo – Giọng ca xứ Nghệ 2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục