Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví du lịch miền Trung – Tây Nguyên như hòn ngọc thô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành du lịch địa phương cần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo để khách đến nhiều hơn và ở lại lâu hơn.

Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham gia hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên ngày 16/2. Khu vực này có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá. Theo Thủ tướng, tài nguyên du lịch của miền Trung – Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng.

Chất lượng khách sạn, nhà hàng, các quán ăn hiện nay ở miền Trung – Tây Nguyên hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là khách hạng sang, khách cao cấp. Các dịch vụ hỗ trợ đi kèm vui chơi giải trí, còn nghèo nàn, đơn điệu khiến tài nguyên du lịch chưa được khai thác tốt, lợi ích mang lại không cao. Ngành du lịch còn chậm đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Thủ tướng đề nghị các địa phương cần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo khác biệt, đổi mới liên tục để thu hút khách du lịch. Ngành du lịch cũng cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra, tình trạng chặt chém du khách, vấn nạn taxi dù, chèo kéo, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, lừa đảo… đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè, nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Võ Thạnh

Thủ tướng cho rằng, tình trạng này còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả xúc tiến đầu tư. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên cần tăng cường quản lý, không để tình trạng chặt chém du khách xảy ra và trở thành “thương hiệu” của địa phương. Năm câu hỏi lãnh đạo Chính phủ đặt ra cho ngành du lịch, các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên là phải làm thế nào để du khách đến nhiều hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, du khách kể lại những câu chuyện thú vị khi du lịch Việt Nam cho bạn bè, người thân và khách quay trở lại. Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đồng ý với chủ trương mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay bằng mọi nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại. Bên cạnh đó xây dựng cảng biển, đường ven biển bằng nguồn xã hội hóa để tạo điều kiện cho du khách và người dân đi lại thuận lợi nhất.

Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) đang trở thành điểm đến mới lạ với du khách thích khám phá mùa hoa dã quỳ.

Trước đó, tại Hội nghĩ xúc tiến đầu tư tỉnh Đăk Nông năm 2019 diễn ra hồi đầu tháng 1, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, khí hậu,  văn hóa, con người đang vươn lên phát triển mạnh mẽ của tỉnh Đăk Nông cũng như khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Đồng thời Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tập đoàn tham gia đầu tư vào khu vực này.  Đầu năm 2017, việc khách sạn 5 sao  của Tập đoàn Mường Thanh lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Buôn Ma Thuột  được xem là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ngành du lịch chất lượng cao  của khu vực miền Trung- Tây Nguyên phát triển. Trong năm 2019, Tập đoàn Mường Thanh sẽ tiếp tục đầu tư 790 tỷ đồng  vào tỉnh Đăk Nông. Việc lựa chọn tỉnh Đăk Nông làm địa điểm đầu tư tiếp theo nằm trong chiến lược trọng điểm của tập đoàn Mường Thanh trong năm 2019. Dự kiến, tập đoàn này sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch còn non trẻ của tỉnh Đăk Nông nói riêng và của cả khu vực Miền Trung- Tây Nguyên nói chung.

 Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục