Văn hóa doanh nghiệp Mường Thanh thể hiện rõ tính cách và phẩm chất của thương hiệu

  12-08-2020

“Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn hiện nay được đúc kết qua gần 30 năm trong quá trình hình thành và phát triển. Nó thể hiện rõ nét tính cách và phẩm chất của thương hiệu Mường Thanh. Đó là tài sản hữu hình có giá trị lớn nhất của Tập đoàn”. Đây là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Lê Thị Hoàng Yến trong cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa và Nội quy Tập đoàn dành cho Ban Tổng Giám đốc hồi tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh đến việc Mường Thanh hiện đã có đầy đủ công cụ, lý thuyết của bộ Văn hóa doanh nghiệp được các thế hệ và người làm chuyên môn dày công nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.

Chủ tịch Lê Thanh Thản và Tổng Giám đốc Lê Thị Hoàng Yến đã dày công xây dựng nên Văn hóa doanh nghiệp Mường Thanh trong suốt 30 năm qua.

Đồng ý với quan điểm của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Nguyễn Văn Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là sau 30 năm hình thành, Mường Thanh đã xây dựng được tầm nhìn “Trở thành đại diện quốc gia ngành khách sạn Việt Nam”. Bên cạnh đó là xác định rõ sứ mệnh của mình trong việc “Cung cấp sản phẩm và dịch vụ khách sạn gắn liền với sự gìn giữ và phát triển các giá trị Việt”. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đã xây dựng được 6 giá trị cốt lõi 3C và 3T hay 5 nguyên tắc vàng.

Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Nguyễn Văn Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là sau 30 năm Mường Thanh đã xây dựng được tầm nhìn và sứ mệnh xuyên suốt cho Tập đoàn.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phạm Hồng Dũng và Phó Ban Điều hành Nghiệp vụ Hoàng Ngọc Thạc cho biết các anh cảm nhận được rõ nét Văn hóa doanh nghiệp của Mường Thanh là việc tình cảm con người được đặt lên hàng đầu, tại đây mọi người được tôn trọng và được đối xử một cách chân thành cởi mở. Qua đó giúp đội ngũ nhân viên có sự tự tin mà phát triển trong công việc.

Tuy có rất nhiều điểm tích cực được đưa ra, nhưng Ban Tổng Giám đốc cũng đã nhìn thẳng vào sự thật và có những đánh giá về các mặt hạn chế cũng như đưa ra những giải pháp hết sức thiết thực.

Cụ thể, theo anh Nguyễn Văn Hùng sự lan tỏa về lịch sử hình thành phát triển của Tập đoàn vẫn chưa sâu, rộng. Công tác quảng bá về hình ảnh, văn hóa, lịch sử Tập đoàn đến với cán bộ nhân viên còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có nhiều chương trình, nội dung, ấn phẩm… nói về Tập đoàn để cán bộ nhân viên có thể nhìn vào đó mà học hỏi, tự hào và cống hiến.

Trong khi đó, một số ý kiến khác còn chỉ ra điểm hạn chế mà không chỉ ảnh hưởng đến Văn hóa doanh nghiệp mà còn có tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của cả Tập đoàn. Đó là việc một số cán bộ nhân viên có tư tưởng thiếu tính tự giác và không tuân thủ các nguyên tắc khi làm việc. Tuy đây chỉ là số ít nhưng điều này đã gây ra sự so sánh giữa các cán bộ nhân viên trong thời gian qua. Bên cạnh đó là tinh thần chưa sẵn sàng thay đổi và chấp nhận cái mới.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phạm Hồng Dũng mong muốn vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo cần được đẩy mạnh hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp Mường Thanh.

Đề xuất giải pháp cho các vấn đề tồn đọng kể trên, Ban Tổng Giám đốc cho rằng phải giải quyết được một số yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất cần phải điều chỉnh quy trình, cách thức, tiêu chí tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực cũng như xây dựng được chế độ đãi ngộ phù hợp và công bằng.

Thứ hai cần đẩy mạnh công tác đào tạo. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác đào tạo Văn hóa doanh nghiệp. Việc đào tạo cần tiến hành định kỳ, thường xuyên qua đó giúp cán bộ nhân viên thấm nhuần và hiểu hơn về Tập đoàn. Ngoài ra, cần liên tục triển khai các chương trình kiểm soát chất lượng hàng tháng, hàng quý.

Thứ ba nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe người lao động như khám sức khỏe định kỳ, cải tạo các khu vực làm việc, nhà ăn nhân viên, khu vực thay đồ…

Có làm được những việc trên thì trong thời gian tới, văn hóa doanh nghiệp Mường Thanh mới thực sự bám sâu, bám chắc vào đời sống tinh thần của gần 10.000 cán bộ nhân viên. Qua đó mới thực sự lan tỏa được tinh thần Mường Thanh đến từng người.

Văn hóa doanh nghiệp Mường Thanh cần bám sâu, bám chắc hơn nữa vào đời sống tinh thần của gần 10.000 cán bộ nhân viên.

Và để thay cho lời kết, xin được trích dẫn lời khẳng định về tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp mà Tổng Giám đốc Lê Thị Hoàng Yến đã nhiều lần nhắc tới. Đó là: “Việc xây dựng và hoàn thiện Văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của bất cứ tổ chức nào. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ thể hiện cá tính, phẩm chất của mỗi thương hiệu mà còn là kim chỉ nam trong quá trình làm việc, hành động, lời nói, cư xử, ý thức của mỗi cá nhân trong nội bộ tổ chức cũng như bên ngoài!”

Qua những phần chia sẻ rất tâm huyết của Ban Tổng Giám đốc trong cuộc thi lần này, chúng ta hãy cùng nhau nắm chặt tay, đoàn kết, đam mê để cùng xây dựng một văn hóa Mường Thanh riêng có, một văn hóa mà ở đó ai cũng cảm thấy tự hào.

Quốc Anh

Bài viết liên quan

Phó TGĐ Phạm Hồng Dũng tham dự hội thảo ‘Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19’
Phó TGĐ Phạm Hồng Dũng tham dự họp kỳ họp thứ 15 Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia
Khai mạc khóa học Quản trị tài chính khách sạn
Tổng Giám đốc Lê Thị Hoàng Yến trải lòng về chặng đường 7 năm thành lập VPĐH
Nóng: TGĐ Lê Thị Hoàng Yến nhận giải thưởng “Nhà điều hành chuỗi khách sạn xuất sắc nhất năm 2019”