Đó là bí quyết giúp chị Hoàng Kim Thanh – Trợ lý Giám đốc dịch vụ Ẩm thực VPĐH tập đoàn, nguyên Giám đốc (GM) Mường Thanh Grand Tuyên Quang đạt được những thành công trên con đường sự nghiệp, cũng như công việc làm vợ, làm mẹ.
Báo Nhà Mường đã có cơ hội trò chuyện với chị Thanh về nghề F&B (Food and Beverage) khi chị trở về tiếp nhận nhiệm vụ của bộ phận dịch vụ Ẩm thực tại Văn phòng điều hành (VPĐH) tập đoàn.
Nhà Mường: Chị có cảm thấy áp lực khi anh Nguyễn Văn Thọ (nguyên Giám độc phụ trách dịch vụ Ẩm thực) chuyển đi và chị nhận nhiệm vụ Quyền phụ trách dịch vụ Ẩm thực Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh?
Để nhận nhiệm vụ Quyền phụ trách bộ phận Ẩm thực của toàn hệ thống khách sạn Mường Thanh khi anh Thọ chuyển đi là một áp lực khá lớn với tôi. Vì anh Thọ là người anh có tuổi đời và tuổi nghề lớn hơn tôi rất nhiều. Trong 4 năm gắn bó với tập đoàn, anh Thọ cũng đã tạo dựng được đội ngũ F&B khá đầy đủ cho các khách sạn.
Nhà Mường: Việc bàn giao giữa chị và anh Thọ có gặp khó khăn hay vướng mắc nào không?
Tôi chỉ có khoảng thời gian ngắn để nhận bàn giao công việc nên có thể tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn để liên hệ với các khách sạn thành viên, để nắm bắt được những khó khăn của họ và lên kế hoạch cũng như phương án hỗ trợ hợp lý.
Nhà Mường: Kinh nghiệm khi làm GM ở Mường Thanh Grand Tuyên Quang sẽ giúp ích cho chị như thế nào trong công việc này?
Thời gian 7 tháng giữ chức vụ GM ở Mường Thanh Grand Tuyên Quang đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc sau này. Nó giúp tôi biết cách tiếp xúc với Sở Ban Ngành địa phương một cách chặt chẽ, làm việc hiệu quả với nhân viên để giải quyết các vấn đề về văn hoá, môi trường, giúp nhân viên và khách có những trải nghiệm tích cực hơn. Ở cương vị GM, tôi cũng học được cách dung hoà giữa các bộ phận để toàn bộ CBNV cùng chung một niềm tin và mang đến cho khách hàng chất lượng phục vụ tốt nhất, đem lại doanh thu hiệu quả nhất cho chủ đầu tư.
Nhà Mường: Tại sao chị quyết định từ bỏ vị trí GM để trở về làm việc tại VPDH?
Giám đốc khách sạn là vị trí rất nhiều người mong muốn, tuy nhiên với cương vị là một người phụ nữ, là một người vợ, một người mẹ, tôi nghĩ rằng cũng đã đến lúc mình dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, làm tròn nghĩa vụ của người vợ và người mẹ đúng nghĩa. Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc đến Chủ tịch Tập đoàn – ông Lê Thanh Thản và Tổng Giám đốc – bà Lê Thị Hoàng Yến đã hiểu được tâm tư của tôi và xét duyệt cho tôi được trở về làm việc tại Hà Nội.
Nhà Mường: Chị có đánh giá như thế nào về dịch vụ F&B của Mường Thanh (điểm mạnh, điểm yếu) so với các hệ thống khách sạn khác tại Việt Nam?
Hiện tại, bộ phận dịch vụ Ẩm thực của Mường Thanh so với các hệ thống khách sạn khác tại Việt Nam, tôi nhận thấy chúng ta có điểm mạnh là: đội ngũ nhân viên thân thiện, trẻ trung, nhiệt tình yêu nghề. Tuy nhiên, với việc Mường Thanh phát triển quá mạnh mẽ và nhanh nên việc tuyển dụng nhân viên có bề dày kinh nghiệm còn hạn chế, chất lượng nhân sự vẫn cần thời gian để đào tạo. Với việc chuẩn hoá bộ tiêu chuẩn nghề (SOPs) vừa được bàn giao tuần trước, tôi có thể tự tin khẳng định bộ phận dịch vụ Ẩm thực sẽ có sự thay đổi tích cực trong các năm tới.
Chị Hoàng Kim Thanh trong chuyến công tác tại lễ khai trương khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam
Nhà Mường: Chị có định hướng phát triển như thế nào cho dịch vụ F&B của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh trong thời gian sắp tới?
Trong thời gian tới, tôi có những định hướng phát triển ngắn, trung và dài hạn cho việc phát triển dịch vụ Ẩm thực của tập đoàn. Định hướng gần nhất là phối hợp với các Quản lý vùng F&B để triển khai bộ tiêu chuẩn SOPs đến từng khách sạn thành viên và hỗ trợ các khách sạn đón tiếp các khách VIP của TW và địa phương một cách chu đáo. Về định hướng trung và dài hạn, tôi đã lên kế hoạch để Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc xét duyệt, sau đó sẽ chia sẻ với các bạn trong thời gian tới.
Nhà Mường: Theo chị, những phẩm chất nào giúp các bạn nhân viên trở thành một nhân viên dịch vụ F&B xuất sắc?
Với nghề F&B, tôi thấy để trở thành một nhân viên tốt cần có 3 phẩm chất cơ bản. Thứ nhất đó là phẩm chất về thể chất (sức khoẻ, trang phục, tác phong và nụ cười). Thứ hai là phẩm chất về nghề nghiệp (Khéo léo, nhanh nhẹn, khả năng tổ chức và sáng tạ). Cuối cùng là phẩm chất về trí tuệ và tinh thần (tinh thần đồng đội, lịch sự, chân thành, trung thực và có trí nhớ tốt).
Nhà Mường: Chuyển sang vấn đề cá nhân, việc thay đổi vị trí công tác, địa điểm làm việc thường xuyên có ảnh hưởng đến gia đình chị không?
Việc thay đổi vị trí, địa điểm công tác ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến gia đình tôi, vì công việc nhiều hơn đồng nghĩa với thời gian tôi phải xa gia đình nhiều hơn, thời gian dành cho gia đình và con cái ít hơn và việc chăm lo gia đình cũng không thể như những gia đình khác.
Nhà Mường: Khi công việc của dịch vụ F&B luôn bận rộn và phải đi công tác nhiều, chị làm thế nào để cân bằng cuộc sống giữa công việc và gia đình?
Để cân bằng giữa gia đình và công việc quả là rất khó, nhưng tôi vẫn cố gắng làm hết sức có thể. Hằng ngày vào khoảng thời gian nhất định, tôi sẽ gọi điện về cho gia đình để hỏi han những vấn đề xảy ra trong ngày, chia sẻ với con những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống. Một tuần dành 2 buổi để dạy con học và sắp xếp về nhà bất cứ khi nào có thể.
Nhà Mường: Chị chọn một từ để mô tả về bản thân? Vì sao?
Tôi chọn từ “Trái tim” để miêu tả về bản thân mình. Bởi lẽ từ trái tim bao hàm rất nhiều ý nghĩa: Sống, làm việc và đối xử với đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên, thậm chí với con người với con người bằng trái tim. Lúc nào tôi cũng thoải mái và như vậy cảm nhận thấy cuộc sống, công việc chất lượng hơn.
Nhà Mường: Cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị sẽ gặt hái nhiều thành công với vị trí công tác mới tại VPĐH tập đoàn.
Tâm Bảo