Ban nở trắng rừng mang cả sắc trời Tây Bắc về với Tết Mường Thanh

Cứ vào cuối tháng 2, đầu tháng ba mỗi năm, khi những dải hoa ban phủ khắp núi rừng Tây Bắc một màu trắng tinh khôi cũng là lúc báo hiệu mùa xuân, mùa tình yêu, mùa lễ hội lại đến gần.

Nắng ấm mùa xuân dần lên, hoa ban lần lượt chớm chuyển màu rồi nở bung bạt ngàn khắp núi rừng Tây Bắc. Đi khắp vùng cao trong tiết trời tháng ba còn vương gió lạnh, có lẽ không ai còn xa lạ với hình ảnh từng thảm hoa ban nở trắng xóa, nối dài tạo thành thác hoa chảy tràn từ đỉnh núi. Giữa vùng núi Tây Bắc, không khó để nhận ra những cây hoa ban mọc cheo leo trên vách núi hoặc đan xen giữa các loài cây rừng khác. Trên đường đến với Tây Bắc, chỉ cần hướng ánh nhìn ra phía ra, những tán hoa trắng tinh khôi sát sườn núi sẽ hiện ra trước tầm mắt, che mờ nóc nhà của đồng bào dân tộc miền núi. Giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ và tiết trời ấm dần của mùa xuân vùng cao, từng vạt hoa ban nở khoe sắc trắng tạo nên bức tranh xuân đẹp đến mê hoặc lòng người.

Không phải ai cũng biết nguồn gốc của loài hoa này lại gắn liền với một câu chuyện đặc biệt. Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Chương Han, người dũng cảm đứng lên chống các thế lực áp bức bóc lột, người Thái đã buộc những mảnh khăn tang trên cành cây. Về sau, những mảnh khăn tang ấy như hóa phép màu, trở thành những bông hoa trắng muốt tuyệt đẹp.

Người dân ở vùng cao Tây Bắc còn có một câu chuyện khác về loài hoa ban. Thuở ấy,  chàng trai tên Khum đem lòng yêu cô gái tên Ban, đóa hoa của núi rừng vừa có giọng hát làm say đắm bao chàng trai, vừa có tài khéo léo dệt vải. Cha nàng Ban vì ham giàu nên đem gả con gái cho một thanh niên lười nhác. Ban tìm cách chạy trốn gia đình sang bản của Khum để cầu cứu mà không hay biết rằng Khum cùng cha đang sang bản khác có việc. Nàng bèn lấy chiếc khăn Piêu buộc vào cầu thang nhà người yêu rồi đi tìm chàng. Vượt hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, Ban mải miết gọi tên người yêu cho đến khi gục ngã. Loài hoa có màu trắng tinh khôi đã mọc lên đúng nơi Ban ngã xuống. Chẳng bao lâu sau, loài hoa ấy mọc khắp bạt rừng Tây Bắc và được đặt theo tên nàng Ban.

Trở về nhà và bắt gặp chiếc khăn của người yêu, Khum đoán có chuyện chẳng lành và vội vã đi tìm. Chàng đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, vừa đi vừa gọi cho đến khi kiệt sức và hóa thành loài chim Lộc Khum. Từ đấy về sau, người dân vùng cao Tây Bắc truyền tai nhau rằng, hoa ban nở cũng là lúc chim Lộc Khum cất tiếng hót.

DSC_1302

Hoa ban không chỉ đẹp. Từ nhiều đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần và tiềm thức của người dân Tây Bắc, trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Đồng bào vùng cao coi đây còn là loài hoa biểu trưng cho tình yêu trong sáng và chân thật, cho mùa xuân căng đầy nhựa sống mãnh liệt và một mùa lễ hội đầy sắc màu. Người Thái thường tổ chức lễ hội hoa ban vào cuối tháng 2 âm lịch, khi cả núi rừng Tây Bắc chìm trong sắc trắng mong manh của loài hoa mang sắc hương vùng cao. Lễ hội là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái, là dịp để họ thể hiện sư tri ân công lao của các vị nhân thân tiền bối như thần Then (vị thần tối cao theo quan niệm của người Thái); ma mường, ma núi, ma sông; cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình no ấm và hạnh phúc.

Tháng ba là thời điểm đẹp nhất mảnh đất quê hương của thương hiệu Mường Thanh. Hoa ban nở rộ, gọi mùa xuân về trên những lộc non của núi rừng, trên những ruộng bậc thang và trong lòng người dân Tây Bắc với một hy vọng mới về mùa màng bội thu. Cũng chính bởi lẽ đó, tháng ba về còn mang theo cả hương sắc mây trời Tây Bắc về với Tết Mường Thanh, khi hàng nghìn nhân viên của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh trên khắp mọi miền đất nước lại chuẩn bị đón một cái tết đặc biệt theo cách riêng của mình.

Anh Anh

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục