Khuôn mặt khắc khổ của người dân hay những mái nhà siêu vẹo và trống huơ, trống hoác sau mưa lũ là hình ảnh không thể nào quên của đoàn thiện nguyện Quỹ Nhân đạo Mường Thanh trong hành trình san sẻ mất mát, khó khăn với người dân Lai Châu.
Từ đêm 23 đến 25/6, mưa lớn trên diện rộng xuất hiện ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, trong đó khu vực mưa to nhất xảy ra ở các tỉnh vùng núi biên giới từ Cao Bằng đến Lai Châu. Mưa đặc biệt lớn tập trung ở một số khu vực đã gây ra lũ quét, lũ ống và sạt lở ở nhiều vùng núi phía Bắc như Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang), gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Phát huy tinh thần tương ái cũng như mong muốn động viên, sẻ chia một phần khó khăn, mất mát mà đồng bào tỉnh Lai Châu đang phải hứng chịu do thiên tai gây ra, trong 5 ngày từ 6-10/7, Quỹ nhân đạo Mường Thanh đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và sạt lở đất tại xã Mù Cả (huyện Mường Tè); xã Pa Tần, xã Tả Ngảo và xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ).
Lũ quét, sạt lở đất đã khiến các tuyến đường giao thông tê liệt, làng bản bị cô lập trong nhiều ngày. Con đường vào bản chỗ đứt chỗ lành, trơn trượt, chỉ toàn bùn đất và ngổn ngang cây cối. Dấu vết của những vạt đồi cao hàng chục mét nứt nẻ, ùn ùn đổ xuống đường vẫn còn hiện hữu ở vùng đất nghèo này.
50 năm qua người dân Lai Châu mới chứng kiến một trận mưa lũ lớn đến như vậy. Sau mưa lớn và sạt lở đất, bản Sáng Tùng xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, gần như bị xóa sổ, đường đi vào bản cũng bị chia cắt. Toàn bộ tài sản của 28 hộ dân bị nhấn chìm trong hàng nghìn khối đất đá, bùn lầy.
Những ngôi nhà trống trơn nằm chênh vênh nên mặt nền nứt nẻ, vương vãi đất đá vì mưa lớn, bùn đất từ trên núi sạt xuống.
Con đường rừng vốn đã khó đi nay càng khó hơn khi những cơn mưa vẫn bất chợt ào ào đổ xuống, gây trơn trượt. Từ sau trận mưa lũ lớn, máy xúc, máy ủi được huy động ở khắp mọi nơi để làm nhiệm vụ thông đường, khắc phục sạt lở đất.
Để vào bản, đoàn đã vượt qua những hành trình dài hàng trăm km, giữa chặng là những đoạn đường bên vực sâu, bên đất đá có nguy cơ sụt lún.
Trên khoảng sân lấm lem bùn đất ở trung tâm xã, thùng mì tôm, bao tải gạo, lương khô, quần áo… được xếp ngay ngắn để trao cho người dân. Những người đàn ông và phụ nữ người Thái, người Mảng, Hà Nhì… với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, đôi gò má hốc hác và thâm sạm đã lội bộ, băng rừng 5-6 km để đến đây. Khi mong ước dựng nhà trở nên quá xa xỉ vào lúc này, cụ bà chỉ khao khát có được chiếc nồi, chiếc xong để nấu tạm bữa cơm sau nhiều ngày bị cô lập sau lũ.
Mất nhà, mất người thân, toàn bộ tài sản bị chôn vùi… là những gì mà người dân tỉnh Lai Châu phải trải qua sau trận mưa lũ lớn. Những chiếc lán tạm đơn sơ như thế này là nơi ở của họ trong những ngày qua.
Không gian chật hẹp của một gia đình 5 người bên trong căn lán tạm.
Ánh mắt ngơ ngác của một em nhỏ người Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ khi gặp đoàn thiện nguyện. Đau thương qua đi, chỉ mong những đứa trẻ sẽ sớm có một cuộc sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn ở một nơi khác.
Gia đình này có 6 chị em gái, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Bố mẹ lên nương bạt đất hy vọng sớm khôi phục trồng trọt, mấy chị em ở nhà tự đun nước nấu mỳ tôm. Trong những ngày qua, mì tôm hay lương khô là nguồn lương thực chính của người dân bản.
Khi có mặt tại Lai Châu, đoàn thiện nguyện của Quỹ nhân đạo Mường Thanh đều mệt lử sau quãng đường dài di chuyển. Tuy nhiên, các thành viên đã có thêm động lực cho chuyến thiện nguyện của mình khi gặp những nụ cười trong veo, giản dị của trẻ em vùng cao.
Chia sẻ với bà con nơi đây, chị Đỗ Thị Thanh Huyền – Chánh Văn phòng Tập đoàn, cho biết Quỹ nhân đạo Mường Thanh là nơi quy tụ vạn tấm lòng của người Mường Thanh trên khắp cả nước, cùng chung tay vì những hoạt động thiện nguyện thiết thực và ý nghĩa. Số tiền hỗ trợ không nặng về vật chất, nhưng là tình cảm và sự sẻ chia của người Mường Thanh với đồng bào vùng lũ, mong bà con sớm vượt qua khó khăn.
Dẫu cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, những em bé vùng cao không vì thế mà mất đi nét hồn nhiên, đáng yêu, trong trẻo. Đó cũng là động lực để người Mường Thanh tiếp tục thực hiện nghĩa cử cao đẹp, mang yêu thương đến với những hoàn cảnh khó khăn.
Bếp nấu của người dân bản Sáng Tùng tại khu lán tạm. Một bữa cơm đầy đủ thức ăn lúc này là cả một niềm mơ ước đối với họ.
Căn nhà trống trơn, chỉ còn độc một khung gỗ mục làm giường, nằm trên nền đất ở Làng Mô, huyện Sìn Hồ. Con đường dẫn đến ngôi nhà bị chia cắt nhiều ngày do sạt lở đất.
Với mong muốn giúp các hộ dân đang thực sự gặp khó khăn sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, đoàn công tác đã không quản ngại đường xá xa xôi, đi lại khó khăn để trao những món quà này đến tận tay cho các hộ gia đình, đến từng ngôi nhà vừa chìm trong nước lũ.
Anh Anh