Nhận định Huế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, song anh Lê Đình Quân – Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh khách sạn Mường Thanh Holiday Huế cho rằng, nếu chỉ xoay quanh các lăng tẩm và địa điểm du lịch cũ, sẽ có ít khách du lịch muốn quay trở lại.
Từ những dự án du lịch tiềm năng…
Mới đây, vào ngày 8/8, tại TP Huế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2016, do UBND tỉnh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức. Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN trong và ngoài nước tới tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao cho biết địa phương này ưu tiên thực hiện 2 chiến lược, một là phát triển đột phá, đưa Huế trở thành thành phố di sản, nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Điểm đến 5 di sản”, biến lợi thế của tỉnh thành nơi chăm sóc sức khỏe – nghỉ dưỡng đẳng cấp cao. Hai là đột phá Chân Mây – Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng với Huế, kết nối với Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong thành chuỗi đô thị biển, cảng biển, trung tâm công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng.
Từ góc độ của một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất tại Huế, theo anh Lê Đình Quân – Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh khách sạn Mường Thanh Holiday Huế, việc phát triển du lịch ở Huế phải dựa vào nhu cầu và thực trạng thực tiễn hiện nay, từ đấy đưa ra các biện pháp cải thiện hoặc phát triển một cách triệt để. Các kế hoạch như nâng cấp cơ sở hạ tầng là nền tảng cơ bản cho việc phát triển du lịch, tuy nhiên việc phát triển các đường bay quốc tế đến Huế cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.
Anh Quân nói: “Việc khai thác các chuyến bay quốc tế đến Huế như từ Bangkok đã thực hiện trước đây nhưng thật sự chưa hiệu quả và đã phải ngừng một thời gian. Vậy nếu không cân bằng giữa cung và cầu thì sẽ rất khó duy trì trong một khoảng thời gian dài. Nhất là Huế chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng gần 2 giờ đi xe và sân bay Đà Nẵng đã thu hút và đang triển khai một lượng lớn các đường bay quốc tế”.
Mặc dù vậy, với kế hoạch trọng điểm xây dựng Chân Mây – Lăng Cô thành thành phố đối đẳng Huế kết hợp Đà Nẵng, qua đó hình thành một đô thị biển kết nối tạo nên hành lang đô thị trọng điểm miền Trung (Huế – Chân Mây – Đà Nẵng – Chu Lai – Dung Quất – Nhơn Hội – Vân Phong), đây sẽ là kế hoạch mang tính đột phá và sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho ngành du lịch Huế nếu thành công.
“Với nền tảng và hướng đến là thành phố di sản, Huế sẽ là một điểm đến mang tính bền vững và vẫn sẽ là một điểm tham quan không thể thiếu trong bất kỳ tour du lịch miền Trung nào”, anh Quân nhận định.
… đến biến thành cơ hội thực tế
Bên cạnh mặt tích cực, du lịch Huế vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế. “Qua du khách, tôi thường nhận được những chia sẻ như là sản phẩm du lịch của Huế chưa có tính đổi mới và thay đổi qua các năm. Một số sau khi quay trở lại Huế sau vài năm thì vẫn thăm những địa điểm du lịch cũ cùng với sản phẩm du lịch cũ nên không tạo được sự hứng thú cho du khách”, anh Quân cho hay.
Ngoài ra, là một thành phố có nhiều di sản thế giới, nhưng các địa điểm lăng tẩm tham quan tại Huế vẫn chưa được quản lý một cách hiệu quả và một phần đang bị xuống cấp, số chuyến bay nội địa đến sân bay Phú Bài – Huế còn hạn chế nên đôi khi tạo sự bất tiện cho khách du lịch, hoạt động chèo kéo khách vẫn đang còn diễn ra… Một vấn đề khác là giá vé của các địa điểm tham quan ngày càng tăng cũng góp phần tạo thêm khó khăn cho các công ty lữ hành du lịch.
Ban Giám đốc Mường Thanh Holiday Huế chụp với TGĐ Lê Thị Hoàng Yến tại GM Meeting
Vượt qua những khó khăn trước mặt, để đón đầu xu hướng phát triển du lịch tại Huế, theo Phó Giám đốc Mường Thanh Holiday Huế, khách sạn sẽ thực hiện việc xây dựng chiến lược kinh doanh linh động và chuyển biến nguồn khách theo từng mùa. Ví dụ mùa đông sẽ xem khách Âu là thị trường chính, mùa hè sẽ tập trung khai thác nguồn khách Á nhiều hơn. Việc phục vụ các nguồn khách Âu, Á được phân chia theo khu vực để nâng cao chất lượng dịch vụ, như việc phục vụ 02 buffet sáng theo phong cách Âu Á khác nhau để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách.
Việc khai thác các nguồn khách mới cũng được chú trọng thông qua việc hợp tác với các công ty lữ hành trong các ấn phẩm quảng cáo 2017, thông qua các hội chợ du lịch trong và ngoài nước… Ngoài ra, việc xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Huế nhiều hơn.
Anh Quân tham gia hội chợ du lịch cùng anh Phạm Hồng Dũng – Phó TGĐ Tập đoàn Mường Thanh.
Góp ý để phát triển du lịch cho tỉnh nhà, anh Quân khẳng định, việc quản lý các hoạt động liên quan hoặc đến du lịch cần được chú trọng hơn. Ví dụ nên hạn chế giờ hoạt động hoặc nghiêm cấm các quầy bar mở ngoài trời ở các khu vực nhiều khách sạn lưu trú do tiếng nhạc quá lớn ảnh hưởng đến toàn bộ khách lưu trú trong cùng khu vực.
Đặc biệt, phát triển du lịch Huế nên được phân chia thành hai hướng cụ thể, nhưng phải thực hiện song song. Đó là duy trì, quản lý, phát triển các hoạt động du lịch hiện tại và kêu gọi, tiến hành đầu tư, thực hiện việc phát triển mới ngành du lịch trong tương lai.
“Đối với cá nhân, tôi nghĩ việc kêu gọi xúc tiến các đầu tư mới cho ngành du lịch là rất quan trọng tuy nhiên việc quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch hiện tại là cấp thiết và phải thực hiện ngay. Bới các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét tình hình hiện tại mới có thể nghĩ nhiều đến việc đầu tư cho tương lai”, anh Quân nhận định.