Dịch bệnh Viêm phổi do virus corona mới (nCoV 2019) đang có những diễn biến phức tạp. Là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, CBNV Mường Thanh cần đề cao cảnh giác cũng như trang bị cho mình những kiến thức để phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất. Nhà Mường xin cung cấp tới toàn thể CBNV Mường Thanh một số thông tin tổng hợp về dịch bệnh mới nhất sau đây.
Sáng 30/1/2020, Chính phủ Trung Quốc xác nhận số người tử vong vì dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới đã tăng lên 170 người, số người nhiễm 7.771 người, nghi nhiễm 12.000 người. Bên cạnh đó cũng có 170 ca được chữa khỏi và xuất viện.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 2 đều là du khách người Trung Quốc. Tin vui là 1 người đã được chữa khỏi và xuất viện. Trong khi đó, tại Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã cách ly 10 người nghi bị nhiễm bệnh. Hiện mẫu xét nghiệm của những người này đã được gửi đi và kết quả sẽ có trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (người mặc áo phòng hộ) trao đổi với một người nghi bị nhiễm bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh).
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho CBNV Mường Thanh, Văn phòng Điều hành khuyến cáo các Đơn vị thành viên cần chủ động trong việc phòng chống bệnh như yêu cầu CBNV thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước có chứa cồn. Đồng thời đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Tuy dịch bệnh đang có những diễn biến mới vô cùng phức tạp nhưng mọi người cũng không nên quá lo lắng bởi các bác sĩ của Trung Quốc cũng như Việt Nam đã chữa trị thành công cho hàng trăm người bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu và hoàn thiện phác đồ điều trị cũng như các chế phẩm vắc – xin cho virus mới này.
Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ban hành “Những điều cần biết” về dịch bênh như sau:
1. Con đường lây bệnh:
- Bắt tay, hắt hơi, ho…
- Tiếp xúc với người và động vật mang bệnh.
- Tiếp xúc với dịch cơ thể của người mang bệnh.
2. Dấu hiệu mắc bệnh:
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Ho.
- Hắt hơi.
- Khó thở.
- Viêm phổi.
- Phổi có tổn thương lan tỏa.
- Suy hô hấp cấp.
3. Cách phòng bệnh:
- Rửa tay với xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật.
- Tránh tiếp xúc với động vật ốm và các thực phẩm ô nhiễm.
- Tránh tiếp xúc với động vật không rõ nguồn gốc, chất thải hay chất lỏng tại các khu vực chợ.
- Sử dụng dao và thớt khách nhau cho các thực phẩm đã được nấu chín và thịt tươi.
- Không nên ăn thịt động vật bị ốm hoặc chết.
- Ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm tái hoặc chưa được nấu chín.
Ngoài ra, các cơ quan có chuyên môn về y tế khuyến cáo, trong thời gian này, người dân cần đặc biệt phải thường xuyên rửa tay:
- Rửa tay ngay khi ho và hắt xì hơi.
- Rửa tay khi chăm sóc người bệnh.
- Rửa tay trước và trong khi chế biến thực phẩm.
- Rửa tay trước khi ăn.
- Rửa tay sau khi chế biến thực phẩm.
- Rửa tay ngay khi thấy tay có dấu hiệu bẩn.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước rửa tay có chứa cồn.
Quốc Anh