Được tín nhiệm giao cho chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhưng anh Phạm Hữu Thanh – Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Grand Thanh Hóa đã từ chối để thi tuyển vào làm tại một doanh nghiệp liên doanh.
Từ mối nhân duyên với Mường Thanh…
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý Du lịch tại Học viện Du lịch Quốc tế tại thành phố Varna – Bulgaria, anh Phạm Hữu Thanh về nước và làm việc tại công ty Du lịch Việt Nam (tiền thân Tổng cục Du lịch ngày nay). Trong đó, anh Thanh đã có gần 3 năm làm Trưởng Đại diện Du lịch Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan (1994 – 1998).
“Năm 1998 về nước, tôi từ chối nhận chức Phó Vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam. Quyết định rời công việc ở Nhà nước, tôi đã thi tuyển vào làm việc tại Công ty Liên doanh SAS-CTAMAD và giữ chức Giám đốc Nhân sự và Đào tạo tại khách sạn 5 sao Melia Hanoi trong suốt 15 năm (1998-2013)”, anh Thanh nhớ lại.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với Tập đoàn Mường Thanh, anh Thanh cho biết, sau bữa cơm thân mật trong buổi họp mặt các Giám đốc Nhân sự khách sạn quốc tế 5 sao ở Hà Nội, anh Trần Ngọc Lương – Phó TGĐ Tập đoàn Mường Thanh có đặt vấn đề với tôi làm thủ tục để phỏng vấn vào vị trí Giám đốc điều hành (GM) khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Lam – khách sạn 5 sao đầu tiên của tập đoàn.
“Tôi có suy nghĩ đây là một cơ hội và cũng là một thách thức mới đối với bản thân. Sau một tuần cân nhắc tôi quyết định làm hồ sơ xin tuyển vào vị trí GM khách sạn Mường Thanh Sông Lam và chính thức trở thành thành viên của Đại gia đình Mường Thanh từ ngày 8/4/2013. Tôi tự hào sau bao nhiêu năm rời xa quê hương ra Hà Nội học tập và công tác nay được trở về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên để làm việc”, anh Thanh nói.
Làm GM Mường Thanh Sông Lam một thời gian, đến đầu tháng 8/2014, anh Thanh được điều động về làm GM khách sạn Mường Thanh Grand Thanh Hóa. Tại đây, anh đã cùng với Ban dự án ngày, đêm bám sát tiến độ và chất lượng thi công để đưa Mường Thanh Grand Thanh Hóa khai trương đúng tiến độ vào ngày 25/10/2014.
Anh Phạm Hữu Thanh – GM Mường Thanh Grand Thanh Hóa đứng thứ 2 từ bên phải qua.
Ngay sau thời điểm khai trương, anh Thanh cùng các cộng sự lại bắt tay ngay vào kế hoạch phát triển khách sạn. Tuy vậy, do mới khai trương nên Mường Thanh Grand Thanh Hóa không tránh khỏi một số khó khăn ban đầu như thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đội ngũ trưởng, phó bộ phận, nguồn khách lưu trú hạn chế vì khách du lịch trong nước đến với Thanh Hóa chưa nhiều và đa phần không lưu trú lại, khách du lịch quốc tế chiếm tỷ lệ không đáng kể…
Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi đảm nhiệm vị trí GM khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa, anh Thanh kể, thời điểm khách khai trương cũng trùng đúng vào dịp tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 210 năm thành lập tỉnh, 20 năm thành lập thành phố Thanh Hóa, công bố quyết định Đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa đã vinh dự được UBND tỉnh lựa chọn là địa điểm ăn nghỉ của các Đại biểu khách mời là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh bạn về dự Lễ kỷ niệm.
Anh Thanh cho biết: “Vinh dự đấy, nhưng là GM tôi không khỏi lo lắng vì cán bộ nhân viên Mường Thanh Thanh Hóa chưa có kinh nghiệm phục vụ các sự kiến lớn quan trọng như vậy. Tôi quyết định xin sự hỗ trợ từ tập đoàn và một số khách sạn thành viên gần đó. Và thật tuyệt vời khi tiệc chiêu đãi trọng thể của tỉnh Ủy, UBND, Hội đồng Nhân dân tỉnh thành công ngoài mong đợi”.
… đến ghi dấu ấn cùng Mường Thanh Thanh Hóa
Trong vai trò GM, anh Thanh đã nghiên cứu kỹ thị trường tại Thanh Hóa và cùng Ban Giám đốc vạch ra chiến lược kinh doanh trước mắt, ngắn hạn, lâu dài cho Mường Thanh Thanh Hóa. Thực tế, khách sạn đã thành công khi ngay từ tháng đầu đi vào hoạt động đã có lãi.
Kết thúc năm 2015, Mường Thanh Thanh Hóa đã đạt thành tích ấn tượng với doanh thu ẩm thực chiếm 70% tổng doanh thu, 6 tháng cuối năm 2015 doanh thu lưu trú tăng 41,64%. Cơ sở để đạt được thành tích trên một phần nhờ vào việc khách sạn đã ký thành công Hợp đồng lưu trú với Công ty Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, cung cấp cho họ bình quân 130 phòng/ ngày.
Khách sạn cũng đã ổn định đội ngũ nhân viên bếp và chất lượng chế biến món ăn đáp ứng được khẩu vị của những khách hàng khó tính tại Thanh Hóa. Đội ngũ nhân viên nhà hàng phục vụ có tính chuyên nghiệp hơn đặc biệt luôn nở nụ cười Mường Thanh mỗi khi phục vụ khách hàng.
Anh Thanh đội mũ trắng (đứng) ở vị trí thứ 4 từ bên trái qua cùng các thành viên của đội bóng Mường Thanh Thanh Hóa.
Bước sang năm 2016, Mường Thanh Thanh Hóa đặt mục tiêu tỷ lệ chiếm dụng phòng (% Rooms occupied) đạt 85%, tăng 10,4% so với năm 2015, doanh thu tăng 20% so với năm 2015.
Về nhân sự, 100% cán bộ nhân viên được đào tào chuyên môn theo tiêu chuẩn nghề VITOS. Ngoại trừ bộ phận Lễ tân, 100% Trưởng/ phó bộ phận khác có trình độ tiếng Anh đạt từ Level B trở lên.
Chia sẻ quan điểm làm thế nào để trở thành một GM giỏi, anh Thanh nói, đó là người cần phải có thời gian làm Quản lý tối thiểu 2 năm, bắt buộc phải qua một khóa đào tạo về kỹ năng quản lý, phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu level C, phải có kỹ năng giao tiếp.
“Ngoài ra, bạn cần có tầm nhìn để xây dựng mục tiêu cụ thể cho hoạt động kinh doanh từng giai đoạn, xây dựng khả năng làm việc nhóm – team building skills, kỹ năng thu phục nhân tài để giữ chân những nhân viên có chất lượng cao, kỹ năng lập kế hoạch và phải biết chấp nhận mạo hiểm…”, anh Thanh cho biết.
Là một người thành công trong công việc, gia đình đối với GM Mường Thanh Thanh Hóa lại càng đặc biệt quan trọng. Theo anh Thanh, gia đình có đầm ấm, hạnh phúc thì mình mới yên tâm công tác. Bên cạnh đó, gia đình hạnh phúc cũng thể hiện được vai trò kỹ năng làm chủ gia đình của người Giám đốc và chắc chăn phẩm chất đó sẽ ảnh hưởng tới thành công trong công tác quản lý nhân sự của mình tại khách sạn.
“Một Giám đốc không làm chủ được gia đình thì chắc chắn Giám đốc khó trở thành một Giám đốc giỏi. Mình luôn làm chủ bản thân và biết cân bằng cuộc sống cá nhân, công việc và gia đình. Bí quyết đó là kỹ năng quản lý thời gian”, anh Thanh bật mí.