Gần 10 năm cống hiến cho Mường Thanh của người phụ nữ câm điếc

Không may bị câm điếc từ nhỏ, nhưng chị Lê Thị Sáu vẫn nỗ lực từng ngày trong suốt gần 10 năm qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao – chăm sóc động vật tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em trên mảnh đất Diễn Lâm, chị Lê Thị Sáu vào làm việc tại Mường Thanh từ ngày 1/1/2009 với vị trí nhân viên bộ phận Chăn nuôi của Khu sinh thái. Vào thời điểm đó, người đàn bà sinh năm 1975 này không thể nghĩ đây sẽ là ngôi nhà thứ 2 mà mình sẽ gắn bó trong hơn 7 năm sau đó.

Mường Thanh Hotel

Công việc hằng ngày của chị Sáu là căt cỏ, cho ngựa ăn và vệ sinh chuồng trại. Anh Nguyễn Đăng Long – Trưởng bộ phận Chăn nuôi nhận xét: “Chị Sáu là một người làm việc có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Còn theo anh Ngô Văn Hoa – Phụ trách Nhân sự của Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm: “Xét về hiệu quả công việc của chị Sáu có thể nói cao hơn những nhân viên khác cùng vị trí. Vì chị làm việc chăn nuôi đã lâu, có kinh nghiệm hơn, thái độ làm việc nghiêm túc”.

Mường Thanh Hotel

Có một câu chuyện của chị Lê Thị Sáu đến nay vẫn được xem như giai thoại của Khu sinh thái. Trong một cuộc họp của bộ phận Chăn nuôi, dù không nói được nhưng chị Sáu vẫn giơ tay xin phát biểu. Dựa vào ngôn ngữ cơ thể và quá trình giao tiếp thường xuyên với chị, cuối cùng mọi người cũng hiểu được nội dung chị phát biểu: “Các nhân viên cắt cỏ nên đi làm sớm để phục vụ tốt hơn cho chăn nuôi”.

Ngoài công việc chính, chị Sáu còn thường xuyên giúp đỡ công việc của những nhân viên khác như rửa bát, dọn vệ sinh khu kí túc xá…, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của công ty.

Hiện tại, chị Sáu đang sống cùng con gái 16 tuổi ở gần Khu sinh thái. Mặc dù gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng chị Sáu vẫn khiến nhiều người khâm phục bởi tinh thần luôn lạc quan, yêu đời của mình.

Mường Thanh Hotel

Về phía Khu sinh thái, Ban lãnh đạo luôn quan tâm tới trường hợp của chị Sáu, tạo điều kiện cho chị ở lại ký túc xá của công ty và miễn phí cơm 2 bữa (những nhân viên khác chỉ ăn 1 bữa cơm ca). Bên cạnh đó, do gia đình chỉ có 2 mẹ con nên những ngày nghỉ công ty cũng tạo điều kiện cho con gái chị vào ở cùng với mẹ ở ký túc xá.

Anh Ngô Văn Hoa cho hay, xét về hiệu quả làm việc và quá trình công tác lâu dài cho công ty, lương của chị Sáu thuộc vào diện cao hơn so với những nhân viên khác cùng bộ phận. Tuy vậy, vượt ra ngoài chuyện lương thưởng, chị Sáu chính là tấm gương điển hình cho câu chuyện vượt lên chính mình, vượt lên những khiếm khuyết về thể chất để cố gắng làm việc và nhận được sự tôn trọng, yêu mến của anh chị em đồng nghiệp.

Cao Khánh Hưng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục