Mường Thanh là một thể chế đặc biệt, một doanh nghiệp mà khi tìm hiểu lịch sử hình thành tôi nhận thấy văn hóa và những giá trị nhân văn, những giá trị bản sắc Việt đã luôn là một nguồn lực nhất thành bất biến, một hệ giá trị chuẩn mực tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, văn hóa là cái sau cùng còn đọng lại, sau khi tất cả những cái khác đã bị lãng quên. Còn với tôi, văn hóa, văn hóa doanh nghiệp là những ấn tượng đầu tiên, những cảm nhận vô hình và hữu hình khiến chúng ta định vị ngay hình ảnh không phai mờ về những con người đại diện, về một đơn vị, một tổ chức trong tái tim và trong trí óc của mình.
Văn hóa doanh nghiệp hay hẹp hơn là văn hóa làm việc của tổ chức giống như một thỏi nam châm vĩnh cửu, nó có thể thu hút con người, có thể chinh phục con người đến làm việc, muốn gắn bó với một tổ chức, cũng có thể khiến con người ta muốn rời bỏ, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi mà sự không gắn kết với doanh nghiệp đã trở thành một nạn dịch mang tính chất toàn cầu.
Mường Thanh là một thể chế đặc biệt, một doanh nghiệp mà khi tìm hiểu lịch sử hình thành tôi nhận thấy văn hóa và những giá trị nhân văn, những giá trị bản sắc Việt đã luôn là một nguồn lực nhất thành bất biến, một hệ giá trị chuẩn mực tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Tên gọi MƯỜNG THANH, cái tên mang một dũng khí, một sự định vị hệ giá trị
Khi nghiên cứu các thương hiệu hiện đại, nhiều người cho rằng một thương hiệu để vươn ra tầm khu vực và châu lục cần mang một vỏ bọc quốc tế hay ít nhất là một cái tên tiếng Anh cho thật thời thượng, riêng tôi không nghĩ như vậy. Người Việt Nam khi đặt tên thường sử dụng những âm Hán Việt mang chiều sâu nhân sinh quan, một điềm lành hay mong ước. Việc tự tin sử dụng cái tên của mình cần kiến thức, cần sự hiểu biết và cần tự hào văn hóa. Người Nhật đã mang Tiếng Nhật, âm Nhật vào thương hiệu từ hàng trăm năm trước khi họ bắt đầu đi chinh phục thế giới, cả thế giới nhận ra và ngưỡng mộ những cái tên như HONDA, TOYOTA, YAMAHA, hay FURUKAWA… Thế giới không những không bài xích mà còn xem đây như những sự bảo chứng hoàn hảo cho chất lượng sản phẩm. Vậy tại sao Việt Nam còn thiếu những cái tên rất Việt trong những tập đoàn lớn đại diện thương hiệu quốc gia, phải chăng chúng ta thiếu bản lĩnh về văn hóa, bản lĩnh thừa nhận và tự hào, TÔI – VIỆT NAM.
Giống như MƯỜNG THANH, trên thế giới có những hệ thống khách sạn khai thác được thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa, tự hào đặt những cái tên rất bản địa như SHANGRI – LA hay SHANGHAI JIN JIANG International (SJI) (Cái tên gợi nhớ về văn hóa Âm – Dương, văn hóa đề cao sự phát triển dựa trên sự cân bằng và hòa hợp). Tôi thiết nghĩ, ngay từ sự đặt để hết sức đắt này đã hàm chứa sự tính toán, khát vọng chinh phục thế giới từ những giá trị tốt đẹp của văn hóa bản địa, đây phải chăng là một trong những yếu tố quyết định đưa hai tập đoàn quốc tế nói trên trở nên những tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới.
Trở lại với “Mường Thanh”, cái tên gợi cho tôi nhiều suy tư. Mường Thanh là một địa danh lịch sử ghi dấu một chiến công long trời lở đất của quân và dân những ngày tháng anh hùng, là “Mường Then” – Mường Trời trong văn hóa Thái – Một nơi chỉ còn chỗ cho sự thanh thản và những niềm vui. Với Tập Đoàn, cái tên Mường Thanh là kỷ niệm, là gắn bó, là sự tự hào và khẳng định một tấm lòng trung trinh. Với tôi, nó là điểm mốc mở ra một lối đi, lối chinh phục thế giới xuất phát từ sự tự hào bản sắc Việt, từ sự khéo léo khai thác các giá trị văn hóa và cơ hội để phát triển bền vững.
Nhân viên Mường Thanh trong trang phục truyền thống của người dân tộc Thái (dân tộc điển hình tại cùng đất Mường Thanh – Điện Biên).
Một doanh nghiệp phát triển dựa trên trọng tâm CON NGƯỜI (Nguồn vốn nhân lực) và hướng đến CON NGƯỜI (Khách hàng, dịch vụ)
Ở Mường Thanh, tôi học được và thấm thía một điều “Để có những người làm việc và làm được việc, đừng săn lùng từ các nơi khác, hãy ĐÀO TẠO nên họ”. Trong trường hợp của Mường Thanh, tôi nhận diện rõ gía trị của một doanh nghiệp học tập, một doanh nghiệp sẵn sàng trao quyền, trao trọng trách, trao đi sự tin tưởng để nhận lại hiệu suất công việc và sự gắn bó, một doanh nghiệp tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, cho họ một mảnh đất để làm việc và một khoảng không để sáng tạo.
Ở Mường Thanh, chúng tôi hiểu “Khách hàng là người duy nhất có thể đuổi việc từ Giám đốc đến nhân viên, chỉ bằng một hành động duy nhất – Mua hàng (lưu trú) tại công ty khác”. Mường Thanh đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc gọi tên rõ ràng các giá trị cốt lõi của mình và kinh doanh dựa trên kim chỉ nam đó, Mường Thanh đề cao sự Chân Thành – Cam Kết và Cân Bằng, tất cả các giá trị này đều hướng đến khách hàng, hướng đến sự trải nghiệm của khách hàng, hướng đến sự tin dùng của khách hàng khi chữ Tín trở thành một tôn chỉ của doanh nghiệp và hướng đến sự tôn trọng cao nhất đối với khách hàng.
6 giá trị cốt lõi của Tập đoàn Mường Thanh : Chân thành – cam kết – cân bằng; Thống nhất – thích ứng – tôn trọng.
Đưa yếu tố văn hóa và con người vào trong các sản phẩm nhất là sản phẩm dịch vụ đang dần nổi lên là một xu thế không gì ngăn cản nổi. Bởi thế giới ngày càng phẳng, thứ duy nhất khiến người ta phân định được các quốc gia với nhau chỉ là văn hóa. Trong ngành Du lịch và Lưu trú, thứ được du khách cân nhắc đầu tiên khi đến du lịch tại một quốc gia là văn hóa bản địa và chọn lưu trú tại một khách sạn đó là văn hóa phục vụ, văn hóa của những người đại diện lịch sử, phong tục và tôn giáo quốc gia của họ. Văn hóa và câu chuyện thành công của một chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất đông Dương, một lựa chọn hoàn hảo cho Đại diện Quốc gia ngành Khách sạn, Lưu trú thiết nghĩ là một đề tài rất rộng lớn. Tôi xin kết lại bài này bằng một cảm nhận: Văn hóa và sự khẳng định văn hóa để thành công cần tình yêu và cũng cần dũng khí; Mường Thanh là một ví dụ cho sự tự hào văn hóa, tự hào truyền thống để chinh phục tương lai.