Shaking, Stirring, Blending… là những kỹ thuật pha chế cơ bản thường được áp dụng trong quá trình làm việc của nhân viên Bartender.
Shaking – Lắc
Đây là kỹ thuật cơ bản nhất trong pha chế thức uống. Thao thác shaking sẽ giúp các nguyên liệu được hòa quyện với nhau, làm giảm nồng độ cồn có trong rượu và làm lạnh thức uống. Trước khi cho nguyên liệu vào, bạn phải kiểm tra vệ sinh của bình, đảm bảo bình sạch, không lẫn dư vị của những loại thức uống khác. Bạn cũng cần kiểm soát lượng đá cho vào bình, không quá ít và cũng không nhiều quá. Khi lắc nên cầm bình bằng 2 tay (những bạn thành thạo có thể cầm mỗi tay 1 bình) và chuyển động bình theo một quỹ đạo cố định.
Stirring – Khuấy
Không đơn giản như khuấy cà phê hay trà, kỹ thuật khuấy trong pha chế cocktail đòi hỏi Bartender phải có sự kiên nhẫn. Stirring thường được áp dụng khi pha chế những loại cocktail có cùng tỷ lệ nguyên liệu hoặc thành phần chỉ toàn rượu. Nếu như shaking giúp làm giảm nồng độ của rượu thì kỹ thuật stirring lại giúp nhấn mạnh, tạo thêm chiều sâu hương vị cho thức uống. Khi khuấy, bạn để mũi thìa khuấy chạm đáy ly, nếu thìa ở vị trí 12h thì dùng ngón giữa di chuyển về vị trí 6h, sau đó dùng ngón áp út đẩy lên 12h, cứ khuấy liên tục như vậy theo chiều kim đồng hồ đến khi ly lạnh thì ngưng.
Building – Rót thẳng
Building là kỹ thuật đơn giản nhất trong pha chế cocktail. Bạn chỉ cần cho đá viên vào ly rồi rót các nguyên liệu vào theo chiều thẳng đứng 90 độ và khuấy nhẹ các thành phần trước khi phục vụ khách. Kỹ thuật tuy đơn giản những bạn cũng cần phải tập luyện kỹ thuật để rót làm sao các nguyên liệu không bị đổ ra ngoài và ra dáng một Bartender chuyên nghiệp.
Blending – Pha chế bằng máy xay
Blending được sử dụng khi pha chế những loại trái cây không vắt được nước như: lê, táo, chuối… Khi sử dụng kỹ thuật này, bạn cho trái cây và đá vào máy xay trước. Với trái cây, bạn phải cắt nhỏ; với đá thì nên đập vụn trước khi cho vào máy. Khi khởi động máy thì chỉ bật máy ở chế độ chậm, sau đó tăng dần, đến khi nguyên liệu đã nhuyễn thì dừng, cho các nguyên liệu còn lại vào và bật máy chạy lại với tốc độ trung bình trong khoảng 5 giây. Sau đó rót hỗn hợp cocktail ra ly và trang trí.
Layering – Rót rượu tầng
Kỹ thuật Layering có nghĩa là rót rượu thành từng lớp sao cho hương vị và màu sắc của các loại rượu không hòa lẫn vào nhau. Nhìn thì có vẻ khó nhưng thực tế chỉ cần căn cứ vào độ ngọt và trọng lượng riêng của các loại rượu và thực hiện việc rót theo đúng thứ tự là bạn có thể làm được. Loại rượu có trọng lượng riêng lớn hơn sẽ nằm ở dưới. Để tạo layer, khi rót, bạn phải rót từ từ rượu vào 1 chiếc thìa kim loại để thành phần rượu nhẹ hơn chảy từ từ lên trên bề mặt của tầng rượu đã rót trước đó.
Theo: HotelJob