Tại hội thảo Hội đồng ngành trong lĩnh vực Du lịch và Khách sạn, đại diện Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã trình bày về thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành và những đề xuất để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đào tạo tay nghề của nhân viên.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hôm 23/3 tổ chức hộ i thảo Hội đồng ngành trong lĩnh vực Du lịch và Khách sạn, với sự tham gia của TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Nhà giáo, Vụ Kỹ năng nghề, Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp; bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Australia tại Việt Nam; bà Yasmin King – Giám đốc điều hành Skills IQ, bà Melinda Brown – Giám đốc phụ trách chung Skills IQ; ông Michael Bennett – Giám đốc mạng lưới đào tạo Khách sạn; đại diện một số trường cao đẳng đào tạo ngành Du lịch – Khách sạn. Đại diện Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh tại sự kiện này có anh Nguyễn Thế Cường, Giám đốc đào tạo và Kiểm soát Chất lượng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn và thách thức đối với nguồn nhân lực ngành du lịch qua đào tạo, sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Thông qua đó, BTC đặt mục tiêu chính phủ và doanh nghiệp sẽ hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực và sự hình thành cơ chế tham vấn ngành; có kiến thức về mô hình quản trị, cấu trúc và hoạt động của cơ quan tham vấn ngành của Australia và một số quốc gia khác với điển hình ngành du lịch – khách sạn; qua đó thống nhất được mô hình thử nghiệm tại Việt Nam giúp cho khoảng cách giữa tiêu chuẩn nghề – đào tạo nghề – đánh giá nghề và sử dụng lao động thực tếtại doanh nghiệp gần hơn và hiệu quả hơn.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết hiện nay mô hình hội đồng tham vấn ngành đã được nhiều quốc gia xây dựng để qua đó thu hút và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác có hiệu quả với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Australia có tính chuẩn hóa cao xong cũng linh hoạt và mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp về nhân lực. Việc tổ chức buổi hội thảo này nhằm bàn về các giải pháp tư vấn mô hình và cách thức đào tạo lao động có tay nghề cao, tiến tới thiết lập Hội đồng ngành Du lịch – Khách sạn.
“Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi đã có thành công nhất định trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Mục tiêu đã đặt ra trong năm 2018 là thành lập được Hội đồng Kỹ năng ngành, bộ tiêu chuẩn kỹ năng ngành Du lịch. Thông qua tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn có nhiều ý kiến được chia sẻ từ các chuyên gia của Australia về xây dựng Hội đồng ngành trong lĩnh vực này”, ông Dũng nói.
Là doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực khách sạn với hệ thống khách sạn trải dài 41 tỉnh thành từ bắc vào nam, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh vinh dự là đại diện cho tiếng nói duy nhất từ doanh nghiệp trong hội thảo này. Theo anh Nguyễn Thế Cường, việc sử dụng nguồn nhân lực chưa qua đào tạo và đã qua đào tạo chuyên môn ngành khách sạn, du lịch đều có những khó khăn và thử thách nhất định. Nhân lực chưa qua đào tạo chưa được định hướng nghề, chưa có kỹ năng và kiến thức nghề, chưa có tư duy dịch vụ và mặc cả với một số công việc như phụ vụ đồ ăn, dịch vụ phòng hay vệ sinh khu công cộng… Trong khi đó, dù có lợi thế về kiến thức ngành nghề và được đào tạo định hướng rõ ràng, dễ tiếp nhận công việc thực tế, nhân lực đã qua đào tạo vẫn bị hạn chế về kỹ năng giải quyết và xử lý tình huống thực tế, nhiều kiến thức còn mang tính lý thuyết, các tiêu chuẩn ở trường học cũng không đồng nhất với tiêu chuẩn doanh nghiệp…
Đối với vai trò của doanh nghiệp tại Việt Nam, anh Cường đánh giá doanh nghiệp là đối tác cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực. Trên thực tế, trường đào tạo không đảo bảo cơ sở để học viên thực hành, nếu có cơ sở vật chất thì cũng không có khách thực tế để học viên thực hành, kỹ năng nghề của giảng viên phần lớn không thành thạo bằng CBNV tại doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn cập nhật xu hướng nghề nghiệp, công nghệ dịch vụ, nhu cầu khách hàng nhạy bén hơn và cập nhật hơn cơ sở đào tạo. Để phát triển tay nghề của nhân viên, đại diện Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cho rằng doanh nghiệp có nhiều hình thức đào tạo như định hướng nghề, đào tạo theo từng nghiệp vụ, đào tạo chéo, đào tạo kỹ năng mềm hay thi tay nghề hàng năm. Tại hội thảo, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt dự án Xây dựng Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2018.
Chính phủ Australia là đối tác quan trọng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN -Australia; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện quan trọng, trong đó có Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia.
Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo là yêu cầu đặt ra với Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam. Trong những năm qua, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng đã triển khai nhiều chương trình phối hợp với Australia từ chuyển giao chương trình đào tạo tới ký kết hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể.
Anh Anh