Bên canh rượu vang hay các thức uống pha chế khác như cocktail, mocktail, sinh tố… rượu mạnh cũng là sự lựa chọn của một số thực khách “chịu chơi”, tức có điều kiện kinh tế và sự hiểu biết đáng kể về thức uống được chọn. Vậy phục vụ rượu mạnh trong nhà hàng cần tuân thủ những nguyên tắc nào để đảm bảo không sai sót? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Rượu mạnh là gì?
Rượu mạnh được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là Sprits là một loại rượu chứa nồng độ cồn rất cao (từ 38-500C), được tạo thành nhờ sự chưng cất của quá trình lên men từ trái cây hoặc ngũ cốc.
Rượu mạnh gồm các loại điển hình như: Vodka, Gin, Rhum, Tequila, Whisky, Brandy.
Nguyên tắc phục vụ rượu mạnh
Mỗi loại rượu mạnh đều phong phú về chủng loại, lại sở hữu một hương vị, màu sắc và nồng độ cồn riêng; vì vậy, chúng sẽ có cách phục vụ khác nhau tương ứng để đảm bảo mang đến cho thực khách cảm nhận trọn vẹn về sắc – hương – vị đặc trưng nhất khi thưởng thức. Để làm được điều này, nhân viên phục vụ nhà hàng cần lưu ý một số nguyên tắc phục vụ quan trọng sau đây:
- Được phục vụ với một lượng ít
Rượu mạnh có nồng độ cồn rất cao, cao hơn nhiều so với các loại rượu khác nên sẽ được phục vụ với một lượng ít. Thông thường, các loại rượu mạnh như vodka, rhum, gin, whisky… đều được phục vụ theo định lượng chuẩn là 30cc (tương ứng 30ml) với một định lượng đơn và 60ml đối với một định lượng kép cho mỗi lần rót. Việc phục vụ theo định lượng chuẩn nhằm tránh cho người uống cảm giác bị số vì nồng độ cao.
- Lựa chọn đúng ly phục vụ cho loại rượu mạnh
Tương tự như rượu vang, việc chọn ly phục vụ rượu mạnh cũng đóng vai trò quan trọng giúp quá trình thưởng thức rượu của thực khách được trọn vẹn hơn về hương vị. Theo đó, ly dùng uống rượu mạnh thường là loại ly nhỏ, có chân hoặc không chân dạng hình trụ dày. Ngoài ra, có thể dùng cốc hoặc ly thủy tinh nhỏ, màu trắng, thắt ở giữa, có chân đứng. Cụ thể:
– Rượu Vodka: ly có miệng loe (hình ống khói)
– Rượu Rhum: ly có thân và miệng rộng hoặc ly chân dài, miệng loe
– Rượu Tequila: ly có dạng hình hoa tulip, ly có miệng loe hoặc loại ly nhỏ
– Rượu Whisky: ly có dạng thân rộng, miệng hẹp giúp hương vị của rượu dễ dàng tỏa ra và lưu đọng khi xoay nhẹ ly.
– Tequila: ly shoot hoặc ly rock
– Gin: ly rock
Đặc trưng thưởng thức của từng loại rượu mạnh
– Whisky: phục vụ theo định lượng đơn (30ml) hoặc kép (60ml) – thường được uống theo kiểu neat (không đá) – tuyệt đối không trang trí hoặc cho thêm chanh khi phục vụ
– Brandy: phục vụ sau bữa ăn theo định lượng đơn hoặc kép – thường được uống theo kiểu neat (không đá)
– Rhum: phục vụ sau bữa ăn theo định lượng đơn hoặc kép – có đá hoặc không đá – được trang trí với miếng chanh cắt múi hoặc cắt lát
– Vodka: phục vụ trước bữa ăn theo định lượng đơn hoặc kép – thường được uống lạnh – được phục vụ kèm với miếng chanh cắt múi hoặc cắt lát
– Tequila: phục vụ trước bữa ăn theo định lượng đơn hoặc kép – có đá hoặc không đá – được phục vụ kèm với muối và chanh tươi (cắt múi hoặc cắt lát)
– Gin: phục vụ trước bữa ăn theo định lượng đơn hoặc kép – có đá hoặc hoặc đá – được phục vụ kèm với chanh cắt múi hoặc cắt lát.
Có thể pha trộn với các loại rượu khác
Trong thực tế, bên cạnh là sự lựa chọn hàng đầu của các thực khách “sành rượu”, các loại rượu mạnh còn đóng vai trò là rượu nền được pha trộn với các loại rượu khác hoặc với nước khoáng có pha nước chanh, 7up/ coca hoặc nước hoa quả… để đa dạng các loại thức uống có cồn phục vụ thực khách.
Tư thế phục vụ
Để quy trình phục vụ rượu mạnh trở nên hoàn hảo nhất, nhân viên cần thể hiện sự chuyên nghiệp khi phục vụ. Cụ thể: nhân viên phải luôn đứng phía bên tay phải của khách, quay mặt về phía khách rồi nhẹ nhàng vươn tay phải ra để rót rượu – thân người nhân viên không được chạm vào khách hàng, cần giữ khoảng cách khi rót rượu và trong cả quá trình phục vụ – khi rót, miệng chai không được đụng vào miệng cốc hoặc để quá xa, khoảng cách tốt nhất là 1-2cm – mỗi vị trí đứng chỉ rót cho một thực khách, không vươn tay vượt qua mặt khách để rót cho vị khách khác – trong lúc rót nên dùng khăn chuyên dụng để cầm và quấn chai, tránh để rượu rơi vào người khách hay rớt vươn trên mặt bàn…
Phục vụ không chỉ là “nghề tay chân” mà còn đòi hỏi nhiều kỹ năng nghiệp vụ của người bồi bàn. Để trở thành nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, ứng viên tìm việc nhân viên phục vụ hay nhân sự mới vào nghề cần tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, đảm bảo phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Theo Hoteljob.vn