‘Mường Thanh hoàn thành bộ đào tạo tiêu chuẩn toàn quốc cuối năm nay’

Đánh giá nhu cầu đào tạo theo tiêu chuẩn chung đối với nhân viên Mường Thanh trên phạm vi toàn quốc là cấp thiết, anh Nguyễn Thế Cường – Giám đốc Đào tạo VPĐH tập đoàn cho biết, bộ đào tạo tiêu chuẩn của Mường Thanh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.

Cần thiết xây dựng bộ tiêu chuẩn chung cho ngành

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Thế Cường, đây cũng là tinh thần của sự kiện thành lập Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) diễn ra vào ngày 1/8 vừa qua tại Tp.HCM. VITEA là hiệp hội chuyên ngành do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đơn vị này.

Hội thảo có sự tham gia đầy đủ của Ban lãnh đạo và các thành viên thuộc Hiệp hội, các Sở Du lịch tại các địa phương, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề, đại diện các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành trên phạm vi cả nước, các khách mời, các nhà tài trợ… Anh Cường là đại diện của Tập đoàn Mường Thanh tham gia chương trình này.

Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam ra đời với mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ hội viên trong hoạt động đào tạo du lịch; nâng cao trình độ quản trị cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; gắn nhà trường với doanh nghiệp; thu hút sự tham gia chủ động của doanh nghiệp vào công tác đào tạo; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kiểm tra, đánh giá và công nhận kỹ năng nghề…

Mường Thanh Hotel

Ngoài ra, hiệp hội còn có nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu việc làm và cổng thông tin thực tập cho các nhu cầu việc làm trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập và tìm việc làm.

Cá nhân anh Cường đặc biệt quan tâm tới đề xuất của ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam về việc các đơn vị đào tạo cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp du lịch để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế doanh nghiệp cần.

Theo đó, các đơn vị đào tạo cần tăng cường cho sinh viên đi thực tập, cọ xát tại các doanh nghiệp du lịch, tập trung đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho sinh viên.

Anh Cường cho biết: “Có như vậy sinh viên ra trường mới có khả năng tìm kiếm việc làm và gắn bó với nghề. Ông Thọ cũng chia sẻ về công tác đào tạo tại các đơn vị, bên cạch cung cấp kỹ năng, kiến thức thì một điều rất quan trọng cần làm đó là công tác định hướng, truyền cảm hứng và khởi nghiệp cho sinh viên trong quá trình đào tạo”.

Mường Thanh hưởng lợi gì từ Hiệp hội Đào tạo Du lịch?

Trả lời câu hỏi Mường Thanh nói riêng và ngành sẽ được hưởng lợi gì từ những đề xuất, kết luận của hội thảo, anh Cường cho hay, theo như kết luận của đại hội, trong thời gian tới, các chuyên gia đầu ngành sẽ cùng nhau thảo luận để tham chiếu bộ tiêu chuẩn VTOS, tiêu chuẩn ASEAN và các tiêu chuẩn hiện có trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chung cho ngành.

Mường Thanh Hotel

“Sau khi có tiêu chuẩn chung, các đơn vị đào tạo sẽ áp dụng đào tạo tại đơn vị để có đầu ra đồng nhất, đồng thời tạo ra đội ngũ lao động giỏi kiến thức, thạo chuyên môn, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thu ngắn khoảng cách giữa việc học với thực tế…”, anh Cường nhận định.

Tuy vậy, không phải không có những trở ngại trong công tác đào tạo của ngành Du lich – Khách sạn tại Việt Nam. Anh Cường cho biết, về đội ngũ giảng viên, hiện nay, Việt Nam còn đang thiếu rất nhiều chuyên gia giỏi có kiến thức chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó, giáo trình chưa được thống nhất theo tiêu chuẩn chung cho ngành, mỗi đơn vị đào tạo theo một giáo trình riêng, chưa gắn việc học đi đôi với hành, sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm thực tế, thao tác công việc còn yếu (chủ yếu là lý thuyết)…

Mường Thanh Hotel
Mường Thanh đang đẩy mạnh các hoạt động đào tạo để nâng cao trình độ, khả năng nghiệp vụ của nhân viên.

Riêng đối với Mường Thanh, theo anh Cường, tập đoàn đang trong quá trình xây dựng và chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn chung nên chưa có bộ tài liệu thống nhất trên toàn tập đoàn. Nhiều cán bộ quản lý chưa được tiếp cận với các tiêu chuẩn của ngành.

Bên cạnh đó, do số lượng nhân viên đông, trình độ không đồng đều và phân bổ rải rác nên việc tiến hành và kiểm soát đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ đào tạo viên còn mỏng, kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy còn chưa nhiều.

“Chúng ta sẽ phải giải quyết dần những hạn chế trên và dự kiến hoàn thành bộ đào tạo theo tiêu chuẩn Mường Thanh vào cuối năm 2016”, anh Cường chia sẻ.

Đề xuất cho Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), anh Cường gợi ý, để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, các đơn vị đào tạo cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng chương trình dạy thống nhất trên toàn quốc… Đồng thời, các đơn vị này cũng cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp như Mường Thanh trong việc cử sinh viên đi thực tập thường xuyên hơn, qua đó nâng cao kỹ năng và kiến thức thực tế của sinh viên.

Cao Khánh Hưng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục