“Không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần/ năm tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp”

Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh – bà Lê Thị Hoàng Yến sau khi tham dự “Hội nghị Diên Hồng” của các doanh nghiệp tư nhân do Chính phủ tổ chức vào sáng 17/5 vừa qua.

Nhà Mường: Đánh giá của bà về việc Chính phủ tổ chức Hội nghị gặp gỡ với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam? Hiệu quả của buổi làm việc đến đâu?

“Hội nghị Diên Hồng” của các doanh nghiệp tư nhân do Chính phủ tổ chức một lần nữa khẳng định sự quan tâm sát sao của Thủ tướng tới cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế, hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia cùng trao đổi kiến nghị, đề xuất trực tiếp với Chính phủ. Doanh nghiệp được nói lên tiếng nói của mình và kỳ vọng rất nhiều chính sách, cải cách đột phá sẽ được thực hiện, tháo gỡ nhiều khó khăn và thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung.

Tôi cũng đánh giá cao hội nghị lần này khi nhiều vấn đề “nóng”, gây bức xúc cho doanh nghiệp được đưa ra thảo luận. Tuy Chính phủ không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng các doanh nghiệp đều hết sức phấn khởi, được tiếp sức và có thêm nhiều niềm tin bước đi những bước tiếp theo cùng với sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

_DSC4461

Bà Lê Thị Hoàng Yến phát biểu tại sự kiện khai trương khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng vào chiều tối 15/5 vừa qua.

Nhà Mường: Những quyết định, chính sách mà Thủ tướng công bố tại hội nghị theo bà sẽ có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Mường Thanh?

Ngoài những vấn đề chính được Chính phủ tập trung giải quyết như tạo môi trường kinh doanh công bằng và giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, thì tôi đánh giá cao chỉ thị số 20 được Thủ tướng ký ngay trong ngày tổ chức hội nghị – “Không thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần”. Bởi chỉ thị số 20 sẽ tạo ra thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp nói chung và Mường Thanh nói riêng. Nếu như trước đây, việc thanh tra/ kiểm tra có thể nhiều lần trong năm thì với khoảng 50 đơn vị thành viên của Mường Thanh, con số này sẽ rất lớn, tạo ra nhiều bất cập. Chỉ thị số 20 được ký sẽ giảm thiểu được rất nhiều lãng phí về thời gian, nhân sự và các nguồn lực khác…

doi_thoai_zing_4_1

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị với các doanh nghiệp tư nhân, khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Nhà Mường: Bà có đề xuất nào về cơ chế/ chính sách để giúp thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có Mường Thanh phát triển?

Tất cả các đề xuất về cơ chế, chính sách hầu hết đều đã được nêu và trao đổi rất cụ thể trong hội nghị. Mường Thanh là một trong những doanh nghiệp làm du lịch, vì vậy đối với ngành du lịch nói riêng cần được Chỉnh phủ thực sự đầu tư nhiều hơn nữa, có tầm nhìn hơn nữa trong việc quảng bá Du lịch Việt Nam ra thế giới. Hiện nay, Tập đoàn Mường Thanh và các doanh nghiệp Du lịch lớn tại Việt Nam đang cùng nhau tự đầu tư chi phí và kết hợp cùng Tổng cục Du lịch để triển khai bước đầu các công tác quảng bá này một cách chuyên nghiệp và quy mô hơn.

Ngoài ra, ngân sách cho ngành Du lịch có thể chưa phù hợp với quyết tâm đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, ngân sách này cần được nâng cao và phân bổ hợp lý hơn nữa.

doi_thoai_zing_1_1

Một số quyết định, chính sách được Thủ tướng phê duyệt ngay tại chỗ.

Nhà Mường: Liên quan đến lĩnh vực du lịch – khách sạn, vào đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã đưa ra Nghị quyết 08 quyết tâm đưa đây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Về phía Mường Thanh, theo bà, chúng ta cần làm gì để tranh thủ đón “làn sóng” này?

Từ khi chưa có nghị quyết này, Tập đoàn Mường Thanh đã nhận định được tiềm năng lớn của ngành Du lịch với quyết tâm xây dựng hơn 50 khách sạn trên khắp cả nước. Sau khi mở rộng về số lượng, đây là thời điểm để chúng ta tiếp tục phát triển sâu hơn nữa về chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân sự, đồng thời nâng cao cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Qua đó khẳng định thương hiệu của chuỗi khách sạn Mường Thanh trên thị trường trong nước cũng quốc tế.

Nhà Mường: Cảm ơn những chia sẻ của bà.


Khoảng 2.000 đại biểu, đại diện doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 17/5/2017 ở Hà Nội. Con số này cao gấp 4 lần so với hội nghị lần đầu tiên diễn ra vào ngày 29/4/2016. Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp nhằm sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35, đặt ra những giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp phát triển.


Trí Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục