Kinh nghiệm đánh bóng sàn đá sạch bóng cho nhân viên khách sạn

Để tạo được ấn tượng cho khách hàng về một hình ảnh khách sạn sang trọng, hiện đại thì sàn đá sảnh khách sạn, sàn nhà hàng cần phải sạch bóng.

Công việc đánh bóng sàn đá là một trong những nghiệp vụ quan trọng của nhân viên vệ sinh công cộng trong khách sạn. Nhân viên vị trí này sẽ phụ trách việc chăm sóc, bảo dưỡng và làm vệ sinh những khu vực được lát sàn đá trong khách sạn như: sảnh khách sạn, sàn nhà hàng, cầu thang bộ… Công việc tưởng chừng như đơn giản này lại đòi hỏi nhân viên phải có sự hiểu biết và nghiệp vụ tốt.

danhbongsanda1

Hiện nay, có 2 loại đá được dùng để lót sàn khách sạn khá phổ biến là đá cẩm thạch (Đá Marble)đá hoa cương (đá Granite). Vì có độ cứng cao hơn, khả năng chống xước, mài mòn tốt hơn nên đá hoa cương được lựa chọn để lát sảnh khách sạn, sàn nhà hàng – nơi có lượng người đi lại nhiều.

Mỗi loại đá có những yêu cầu về cách chăm sóc, sử dụng các loại hóa chất khác nhau mà nhân viên khách sạn cần phải biết.

Có 2 phương pháp đánh bóng sàn đá cơ bản là phương pháp đánh bóng tự nhiênphủ sáp bề mặt. Phương pháp đánh bóng sàn tự nhiên được nhiều khách sạn ưu tiên lựa chọn hơn vì nó giúp sàn đá không bị trơn trượt, tạo được độ thở cho các phân tử có trong đá giúp tăng độ bền của đá. Ngược lại phương pháp phủ sáp bề mặt lại ít được sử dụng vì khả năng chống nước kém nên dễ bị trơn trượt, làm các phân tử đá bí thở ảnh hưởng đến độ bền của đá.

Ảnh nguồn Internet

► Quy trình làm vệ sinh và đánh bóng sàn đá bằng phương pháp tự nhiên (dùng hóa chất tương tác tự nhiên với các phân tử đá):

  • Đầu tiên, nhân viên VSCC cần phải làm sạch bề mặt sàn đá cần đánh bóng: di chuyển các vật dụng, đồ đạc đến vị trí thích hợp; dùng máy hút bụi làm sạch bụi trên bề mặt đá.
  • Pha thuốc tẩy đa năng với nước theo tỷ lệ thích hợp. Sau đó dùng phớt đỏ làm sạch bề mặt sàn đá bằng máy đánh bóng tốc độ chậm.
  • Dùng máy hút và gạt nước hút sạch chất bẩn máy vừa chà ra. Rồi sau đó lau lại sàn bằng nước sạch, chờ khô rồi đánh bóng.
  • Sau khi sàn đá đã khô, dùng hóa chất chuyên dụng của các hãng nổi tiếng như Klenco/ 3M/ SC Johnson…. để thực hiện việc đánh bóng sàn đá. Nhân viên nên phun đều hòa chất lên bề mặt sàn đá và dùng phớt trắng lắp vào máy đánh bóng tốc độ cao để đánh bóng kỹ bề mặt.
  • Dùng hình ảnh phản chiếu của đèn xuống mặt sàn để kiểm tra độ bóng của sàn đá, hình ảnh đèn sắc nét thì chứng tỏ sàn đã đạt được độ bóng cần thiết.

Các nhân viên VSCC nên thực hiện việc đánh bóng sàn đá vào ban đêm – thời điểm khách đã lên phòng và có lượng người đi lại thấp nhất. Nhân viên cần phải đặt biển chú ý để khách hoặc các nhân viên có di chuyển sẽ không bị trượt ngã, gây tai nạn. Bên cạnh đó, nhân viên cũng cần phải cẩn thận khi lái máy đánh bóng, chú ý không va chạm với các thiết bị, vật dụng khác.

Công việc đánh bóng sàn đá không phải làm nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên VSCC trong khách sạn, chỉ khi nào sàn đá bị xước, mất đi độ bóng thì mới cần đánh bóng để khôi phục lại độ bóng ban đầu.

Để giữ cho sàn đá giữ được độ bóng lâu nhất, nhân viên cũng cần phải biết cách chăm sóc sàn đá: thường xuyên hút bụi và lau bằng mop để làm sạch bụi, cát trên bề mặt sàn; nên đặt loại thảm Nomad của hãng 3M ở cửa ra vào sảnh khách sạn, nhà hàng cho khách làm sạch đế giày dép trước khi bước vào để hạn chế thấp nhất lượng cát rơi lại trên sàn, giúp đá lâu bị xước, giữ được độ bền của đá.

Thảm Nomad

Với tính chất của công việc này nên những nhân viên phụ trách việc đánh bóng sàn đá khách sạn thường là nam và có sức khỏe tốt. Họ được xem như là những “chiến binh thầm lặng” đã vất vả trong đêm khuya để sáng hôm sau khách được nhìn thấy hình ảnh sàn đá đẹp đẽ, sáng bóng nhất, góp phần mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Ms.Smile

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục