Đây là câu hỏi khiến nhiều bạn băn khoăn khi đàm phán lương với một nhà tuyển dụng mới. Có nhiều bạn sẽ chọn cách thổi phồng thu nhập của mình nhưng cũng có bạn nói thật với nhà tuyển dụng. Dù là lựa chọn nào thì cũng có tính hai mặt của nó nhưng quan trọng là bạn phải biết chấp nhận kết quả do câu trả lời đó mang lại.
Khi thổi phồng mức lương hiện tại
Trong trường hợp bạn cộng thêm vài đơn vị cho con số hàng triệu, có hai tình huống sẽ xảy ra:
Thứ nhất, nhà tuyển dụng nghi ngờ và yêu cầu được xem bảng lương của công ty bạn từng làm việc. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có khả năng điều tra được mức lương thực sự của bạn bằng việc liên lạc với quản lý cũ của bạn. Khả năng bạn bị nhà tuyển dụng “bắt bài” là rất cao.
Thứ hai, nhà tuyển dụng đồng ý và nhận bạn vào làm như mức lương đó. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó, lương cao đồng nghĩa với trách nhiệm cũng cao hơn. Nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu của công việc, khả năng bị sa thải sớm là điều có thể xảy ra.
Nói thật mức lương hiện tại
Một trong những nguyên nhân khiến nhân viên nghỉ việc đó là vấn đề lương thấp. Nếu bạn nghỉ việc ở công ty cũ vì lý do đó thì cũng không nên nói với nhà tuyển dụng như vậy. Hãy cho nhà tuyển dụng biết mức lương ở công ty cũ của bạn và đề nghị một mức lương mà bạn mong muốn.
Với những ứng viên có năng lực tốt, bạn hoàn toàn có thể thương lượng với nhà tuyển dụng mới một mức lương cao hơn nhiều so với mức lương cũ. Quan trọng là bạn phải cho nhà tuyển dụng biết bạn có thể làm được những gì cho công ty của họ.
Có nên đồng ý một mức lương thấp hơn hiện tại?
Nhiều ứng viên vì thích thú với công việc mới nên đồng ý một mức lương thấp hơn mức hiện tại của họ. Sự lựa chọn này có thể lý giải bằng việc có thể họ nhìn thấy được cơ hội thăng tiến của công việc hoặc khi chuyển qua một lĩnh vực mới nên họ phải bắt đầu lại từ đầu.
Vậy nên khi đi phỏng vấn xin việc, bạn phải biết được khả năng của bản thân nằm ở mức nào để đàm phán với nhà tuyển dụng một mức lương phù hợp nhất.
Mr.Smile