Mường Thanh Grand Lào Cai góp phần nâng cao chất lượng nhân sự địa phương

Đó là khẳng định của chị Lưu Thị Thu Hằng – Giám đốc (GM) khách sạn Mường Thanh Grand Lào Cai sau khi tham gia lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Lào Cai vào ngày 13/9 vừa qua.

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đã được các Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp từ tỉnh đến cơ sở và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hết sức quan tâm và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, quốc phòng an ninh do nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra. Thông qua chương trình đào tạo hàng năm của các trường nghề đã bổ sung cho doanh nghiệp hàng nghìn người có tay nghề kỹ thuật cao, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị Đối thoại công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm  cho người lao động năm 2017 là  hội nghị lớn do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức, với sự tham gia của các doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh Lào Cai, nhằm đánh giá  hiệu quả, thành tích đạt được, nguyên nhân, tồn tại và hạn chế  của công tác đào tạo nghề, việc liên kết đào tạo giữa Cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp (sử dụng lao động được đào tạo nghề) trong thời gian qua, chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ mới trong thời gian tới .

Chia sẻ về lý do Mường Thanh Grand Lào Cai tham gia chương trình, chị Lưu Thị Thu Hằng cho biết, đơn vị nhận được lời mời từ UBND tỉnh tham gia trương trình, bởi theo đánh giá của tỉnh, Mường Thanh Grand Lào Cai là một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai và có nhu cầu lớn trong việc sử dụng lao động tại địa phương đã qua đào tạo nghề. Trong hội nghị, UNBD tỉnh cũng đề nghị khách sạn ký kết đào tạo với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động tại tỉnh và giải quyết việc làm cho các sinh viên được đào tạo theo chuyên ngành phù hợp khi khách sạn có nhu cầu.

21730837_1928082580785734_6772676540711456939_n

“Việc ký kết tham gia đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động với các trường đào tạo nghề trên địa bàn cũng có nghĩa khách sạn Mường Thanh Grand Lào Cai sẽ tham gia một phần vào công tác đào tạo, hướng dẫn và đánh giá sinh viên trong quá trình làm việc thực tế, giúp các em áp dụng kiến thức lý thuyết được đào tạo trong nhà trường vào thực tế công việc, đồng thời có những ý kiến để nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy học gắn liền với thực tiễn. Sau lễ ký kết, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với sinh viên của các trường khi đến thực tập tại khách sạn, tạo cơ hội cho sinh viên thực tập và tiếp nhận những sinh viên có thành tích tốt, phù hợp với vị trí mà khách sạn cần tuyển dụng vào làm việc sau khi sinh viên ra trường”, chị Hằng cho hay.

Nói về chất lượng nhân sự tại Lào Cai, GM Mường Thanh Grand Lào Cai đánh giá, nhìn chung, chất lượng nhân sự cho ngành khách sạn tại Lào Cai còn thấp, hầu hết các sinh viên ra trường đi làm không đúng chuyên ngành của mình được đào tạo. Đặc biệt với ngành du lịch, hàng năm số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này quá ít, mà đa số học về hướng dẫn du lịch ,lễ tân còn các nghề như: bếp, bàn ,buồng… hầu như không có. Trong khi đó, nhu cầu về sử dụng nguồn nhân  lực được đào tạo về du lịch khách sạn tại Lào Cai rất lớn, nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, Lào Cai là tỉnh miền núi, dân ít, nhưng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lớn nên rất khó tuyển nhân viên có trình độ, tay nghề cao.

Riêng đối với Mường Thanh Grand Lào Cai, nhân sự tại đây thường xuyên biến động do đặc thù tại Lào Cai là khu vực cửa khẩu buôn bán giao thương với nước bạn có nhiều cơ hội lựa chọn (chưa kể gần thị trường du lịch Sapa).

Trong kế hoạch phát triển công tác quản lý, đào tạo nhân sự của đơn vị, chị Hằng nhấn mạnh, Mường Thanh Grand Lào Cai sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát hiện và phát triển nhân sự nguồn, luôn đặt người lao động lên vị trí hàng đầu, quan tâm, chăm sóc đời sống tạo động lực thúc đẩy sự gắn bó của nhân viên đối với khách sạn.

Ngoài ra, khách sạn cũng hướng tới đề xuất với VPĐH mở thêm các lớp tiếng Trung để củng cố thêm ngoại ngữ thứ hai cho nhân viên (vì là miền giáp ranh với Trung Quốc). Ban Giám đốc và các Trưởng bộ phận hiện đang triển khai S.O.Ps (quy trình nghề) tới từng nhân viên nhằm tạo mặt bằng nghề đồng đều, chuyên sâu, định hướng cho nhân viên cùng đi một hướng tiến tới khách sạn phát triển – Tập đoàn vững mạnh.

Trí Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục