Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là về chỉ số khách quốc tế- đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của ngành du lịch nước nhà.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu từ ngành du lịch của Việt Nam năm 2017 đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Cũng năm 2017, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Tính chung cả hai năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Trong thời gian này, ngành du lịch đã phục vụ 73,2 triệu lượt khách trong nước. Ðó cũng là cơ sở lý giải vì sao 2017 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong tổng 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, lượng khách Trung Quốc chiếm 31%, lượng khách Hàn Quốc chiếm 18,7%. Mặc dù lượng du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng nhưng lại bộc lộ rõ sự thiếu cân đối trong cơ cấu khách.
Bàn về vấn đề này, trước thềm Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, ông Phạm Hồng Dũng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kinh doanh Tập đoàn Mường Thanh đã cùng với các chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp ý kiến với Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện các ý kiến nhằm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam. Ông Phạm Hồng Dũng cho rằng nhằm tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt, ngành du lịch nên quan tâm đến việc hút khách Âu và Mỹ.
Theo ông Dũng, du lịch Việt Nam đạt được mức tăng trưởng như thời gian qua nhờ phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến và quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn gặp không ít khó khăn do tính chuyên nghiệp chưa cao và kinh phí đầu tư cho các công tác xúc tiến du lịch còn hạn hẹp. Hai triệu USD là tổng ngân sách trong một năm dành cho công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam, trong khi đó các quốc gia khác trong cùng khu vực vượt xa chúng ta về con số này. Theo số liệu được công bố, tổng ngân sách trong 1 năm dành cho các công tác xúc tiến du lịch của Thái Lan là 100 triệu USD, Singapore là 1,6 tỉ USD… Điều đó lý giải vì sao Thái Lan và Singapore lại có một lượng khách du lịch đáng mơ ước như hiện tại.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã làm khá tốt các công tác xúc tiến du lịch ở thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc … Bằng chứng là việc chúng ta có một lượng lớn khách du lịch đến từ các quốc gia này. Khác với Đông Bắc Á, thị trường Âu Mỹ, New Zealand, Australia thì không như vậy. Theo ông Dũng, Việt Nam chưa có nhiều thị phần từ thị trường này do chúng ta còn nhiều hạn chếtrong các công tác tổ chức, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch. Trong tương lai, đây sẽ là thị trường mà chúng ta hướng tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những chỉ thị rất quan trọng như mở visa , gia hạn visa cho khách du lịch Australia và New Zealand trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với thủ tướng hai nước trên và đạt đọc sự đồng thuận Trong tương lai, thị trường này sẽ có nhiều chuyển biến.
Ông Dũng tiết lộ bên cạnh việc giữ vững thị trường Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; Australia, New Zealand, Bắc Mỹ cũng sẽ là thị trường mà Tập đoàn Mường Thanh chú trọng phát triển trong thời gian tới.
Về các giải pháp để phát triển du lịch, Phó TGĐ Mường Thanh cho hay: “Ngoài những chiến dịch marketing hoành tráng, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, tức là phát triển hài hòa tất cả các thành tố chính liên quan đến hoạt động du lịch, bao gồm môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế… Bên cạnh các hoạt động xúc tiến du lịch hàng năm, chúng ta phải duy trì được các dịch vụ du lịch – khách sạn, dịch vụ hàng không thật tốt, đặc biệt là phải đào tạo được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp”.
Trong bối cảnh bài toán về nguồn nhân lực du lịch – khách sạn không thể giải quyết trong một sớm một chiều như hiện nay, yêu cầu tăng trưởng ngành càng đặt ra những “sức ép” cần nhanh chóng tháo gỡ và tìm ra được các phương hướng giải quyết. Ông Phạm Hồng Dũng cho hay hiện Mường Thanh quản lý 60 khách sạn với 16.000 nhân viên, có năm Mường Thanh mở liền liên tiếp 12 khách sạn. Tập đoàn gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. đôi khi phải “vơ bèo gạt tép” để tìm nhân sự bởi nhiều nhân sự mới ra trường còn kén chọn, thiếu kiên nhẫn, thiếu nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông.
Đứng trước vấn đề nam giải của ngành du lịch – khách sạn, Tập đoàn Mường Thanh luôn giữ vững các tôn chỉ đào tạo và tuyển dụng – đào tạo nhân lực từ vị trí thấp nhất đến các cấp và các vị trí cao hơn; luôn luôn và liên tục phải đào tạo và tuyển dụng.
“Chúng ta không thể nào có ngay được lực lượng nhân sự chất lượng chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, chúng ta phải chọn lọc, đào tạo và trao cơ hội cho những em mới ra trường, có thái độ tốt, có mong muốn làm công việc của ngành du lịch – khách sạn, để đội ngũ nhân sự trẻ này trở thành lực lượng nhân sự chất lượng”.
Ngọc Hải