Khám phá những món ăn đem lại nhiều may mắn vào dịp Tết Nguyên Đán ở các quốc gia Đông Á

Trung Quốc: Trong bàn tiệc đầu năm của người Trung Quốc có rất nhiều những món ăn may mắn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm. Trong đó, từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Ngoài ra, các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc là món mì trường thọ và bánh sủi cảo, bánh bao, bánh trôi tàu, bánh tổ, bánh gạo… hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại may mắn cho cả năm.

Những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc (món cá, mỳ trường thọ, bánh sủi cảo,… )

Hàn Quốc: Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán người Hàn có truyền thống ăn canh bánh gạo 떡국 (Tteokkguk), món ăn được chế biến đơn giản với nước canh và bánh gạo thái mỏng. Người Hàn Quốc ăn canh Tteokguk vào ngày đầu năm như một nghi thức trang trọng để mừng bản thân bước qua một tuổi mới với sức khỏe tốt và cuộc sống lâu dài, mang lại thật nhiều may mắn trong năm mới.

Canh bánh gạo 떡국 (Tteokkguk), Hàn Quốc

CHDCND Triều Tiên: Nếu như người Hàn Quốc thích ăn canh bánh gạo trong ngày đầu năm mới thì người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh Songpyeon, một loại bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống “Trăng khuyết rồi trăng lại tròn” như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Bánh Songpyeon, Triều Tiên

Nhật Bản: Người Nhật Bản thường ăn Osechi vì ở trong Osechi có đầy đủ các món ăn mà người Nhật cảm thấy đem lại may mắn cho mình trong năm mới. Trong những ngày đầu năm, người Nhật cũng ưa chuộng thưởng thức các món ăn từ đậu đen và hải sản đặc biệt là cá. Vì họ tin rằng cá là món ăn có thể giúp đầu óc trở nên thông minh, sáng suốt và linh hoạt hơn. Mì soba có sợi dài và dai biểu tượng của sự trường thọ và may mắn cũng là món ăn được yêu thích ở Nhật Bản vào những ngày đầu năm.

Osechi, Nhật Bản

Singapore: Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh Tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ Tết của người Singapore còn có những món ăn khác nhu Yusheng (cá sống), Chang Shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt lợn, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp…)

Bánh Tang yuan, Singapore

Malaysia: Vào những ngày đầu năm mới, người Malaysia thường ăn món Yee Sang – món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Đây thực chất là salad kiểu châu Á, gồm cá sống lát mỏng (thường là cá hồi kiểu sashimi hay cá thu) tượng trưng cho sự dư dả và một số loại rau củ quả xắt nhỏ như bưởi tượng trưng cho đại lợi, cà rốt tượng trưng may mắn, củ cải tượng trưng tài lộc, dưa leo tượng trưng cho tuổi trẻ và sức khỏe. Khi thưởng thức, người ta có thể thêm vào chút hạt tiêu, dầu ăn với mong muốn tấn tài tấn lộc. Ngoài phong vị ngày Tết và ngụ ý chúc phúc, Yee Sang còn mang ý nghĩa của sự gắn kết và niềm hạnh phúc được sẻ chia cùng nhau trong một gia đình.

Món Yee Sang, Malaysia

Philippines: Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người Philippines đó là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Tất cả thành viên trong nhà cùng ngồi ăn bánh trong ngày Mùng 1 Tết để cầu mong cả năm gia đình luôn đầm ấm, đoàn kết, hạnh phúc.

Bánh Tikoy, Philippines

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục