Lau dọn và làm vệ sinh là một trong những nhiệm vụ công việc chính của nhân viên thuộc bộ phận Housekeeping trong khách sạn. Tùy thuộc vào loại vết bẩn, bề mặt vết bẩn hay điều kiện không gian mà Housekeeping sẽ lựa chọn phương pháp vệ sinh hay kỹ thuật lau dọn phù hợp. Vậy đó là những phương pháp vệ sinh nào?
Tại sao phải tiến hành làm vệ sinh các khu vực trong khách sạn?
Trên thực tế, mọi công việc trong khách sạn đều có một phần công việc làm vệ sinh trong đó, bao gồm cả nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ, tạp vụ, bếp hay chính yếu là nhân viên buồng phòng (Housekeeping). Làm vệ sinh là nhiệm vụ cần thiết để làm sạch môi trường và không gian nơi khách nghỉ lại hoặc đến thăm/ sử dụng dịch vụ. Sự sạch sẽ của một hoặc toàn bộ khu vực sẽ tạo cho khách hàng những ấn tượng tốt đẹp ban đầu về chất lượng dịch vụ tại đó. Ngoài ra, việc vệ sinh đảm bảo cũng mang lại những ích lợi sau:
- Phô trương hình thức, làm nổi bật hình ảnh của khách sạn đến với khách hàng
- Duy trì được tình trạng đồ đạc, trang thiết bị, nội thất hay đồ vải vóc trong buồng hay tại các khu vực khác của khách sạn bằng cách tẩy sạch các vết bẩn
- Đảm bảo làm sạch và duy trì vệ sinh sạch sẽ tại mọi nơi, mọi thời điểm giúp giảm nguy cơ sinh sôi vi khuẩn hay mầm bệnh.
Để công tác vệ sinh được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, đạt chất lượng tiêu chuẩn theo quy định, các nhân viên cần được trang bị bộ dụng cụ vệ sinh, các chất tẩy rửa chuyên dụng – nắm vững quy trình và cách thức sử dụng dụng cụ, hóa chất làm vệ sinh.
Làm vệ sinh đúng quy trình, tiêu chuẩn mang lại cho khách sạn rất nhiều lợi ích
Những vị trí nào trong khách sạn cần được làm vệ sinh?
– Các kỹ thuật lau dọn cơ bản
Tùy thuộc vào loại vết bẩn, số lượng/ diện tích nhiễm bẩn, bề mặt cần được làm sạch, dụng cụ lau dọn và kỹ năng của nhân viên sẽ tiến hành áp dụng 1 hoặc một số kỹ thuật lau dọn thông thường như sau:
- Rửa: bằng nước và bằng hóa chất tẩy rửa
- Cọ xát: bằng hóa chất chà xát làm sạch hoặc đánh bóng bề mặt
- Hút: bằng máy hút bụi hoặc máy thu rác ẩm
- Áp lực: sử dụng áp lực mạnh của nước để làm sạch
– Các vị trí trong khách sạn cần được làm sạch
Công việc hàng ngày của nhân viên cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các khu vực, vị trí sau:
- Khu vực công cộng như vị trí sảnh, lối ra vào, ban công, hành lang… để làm sạch, nhân viên nên sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa phù hợp như hóa chất đánh bóng tay vịn cầu thang (đồ gỗ, đồ inox…), hóa chất đánh bóng sàn…
- Khu vực buồng phòng gồm phòng nghỉ và phòng tắm: sử dụng hóa chất bảo dưỡng lau sàn đa năng, nước tẩy rửa toilet và nhà tắm chuyên dụng…
- Đồ dùng nội thất trong buồng như bàn ghế, mặt kính, màn hình tivi, đồ inox… sử dụng hóa chất tẩy dầu mỡ, nước đánh bóng, nước lau kính…
Để hoàn thành tốt công việc, Housekeeping cần các dụng cụ làm vệ sinh chuyên dụng hỗ trợ.
– Lựa chọn phương pháp vệ sinh phù hợp
Làm ấm bụi bẩn và lau sạch
- Khi bề mặt đồ vật bị bám bụi và diện tích nhiểm bẩn không quá lớn, nhân viên có thể sử dụng một khăn lau sạch, được làm ẩm bằng dung dịch tẩy rửa đa năng để làm sạch – Thực hiện vắt khăn khô nước để tránh để lại các giọt hay gợn nước bám lại trên bề mặt đồ vật sau khi lau qua – Khăn lau cũng phải làm từ vải cotton mềm và không tạo sợi sau khi lau. Việc làm ẩm khăn rồi mới lau giúp kiểm soát tình trạng bụi bay lung tung sau mỗi cái chạm, dù nhẹ; phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn việc làm sạch bằng phương pháp lau khô.
Đánh bóng
- Phương pháp này được sử dụng chủ yếu để bảo vệ và giữ gìn các đồ vật bằng gỗ trong khách sạn, đánh bóng sàn nhà hoặc một số đồ gia dụng khác
Làm sạch bằng phương pháp khô
- Phương pháp này được đánh giá là không mấy hiệu quả vì nó chỉ có tác dụng làm bụi bay ra khỏi đồ vật và chạy quanh sang những vị trí khác chứ không làm sạch hoàn toàn bề mặt. Do đó, nhân viên chỉ nên áp dụng phương pháp vệ sinh này khi bề mặt của vật cần lau không thích hợp với phương pháp làm ấm bụi bẩn và lau sạch.
Phương pháp lau khô được áp dụng khi phương pháp làm ấm bụi bẩn và lau sạch không phù hợp.
Quét
Phương pháp này cũng có tác dụng tương tự như làm sạch bằng phương pháp khô, giúp quét sạch các loại rác bụi ra khỏi phòng nhưng không đảm bảo sạch hoàn toàn.
Tẩy uế
Phương pháp này được áp dụng khi muốn tiêu diệt hoặc giảm số lượng một số loại vi khuẩn xuống đến mức độ an toàn; được sử dụng sau khi đã làm sạch hoàn toàn bề mặt. Trên thực tế, các chất tẩy uế không phải là hóa chất tẩy rửa.
Hút
Phương pháp vệ sinh này được cho là có hiệu quả nhất vì bụi sẽ được “tóm” và giữ lại trong một chiếc túi và được vứt bỏ sau khi hoàn thành công việc. Dụng cụ cần có để thực hiện phương pháp này là máy hút bụi hoặc máy hút chân không.
Hút là phương pháp vệ sinh hiệu quả nhất hiện nay.
Những nguyên tắc cần nắm khi làm vệ sinh khách sạn
- Tuyệt đối tuân thủ đúng theo quy trình các bước làm vệ sinh theo tiêu chuẩn khách sạn
- Hạn chế tối đa tình huống đánh đổ hóa chất tẩy rửa ra ngoài. Trường hợp vô tình làm đổ gây nguy hiểm thì phải tiến hành làm vệ sinh càng nhanh càng tốt
- Tuyệt đối không sử dụng nước bẩn để lau chùi. Nước bẩn là nguồn nước có thể gây bệnh, việc lau chùi sẽ tạo điều kiện để mầm bệnh dễ dàng nhân rộng và sinh sôi ra khắp khách sạn
- Người lau dọn cần có kỹ năng lựa chọn phương pháp vệ sinh phù hợp, áp dụng đúng kỹ thuật lau dọn để đảm bảo mang lại hiệu quả công việc cao.
- Sử dụng các đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, kính… nếu đó là hóa chất độc hại, có thể gây nguy hiểm cho da, mặt, mũi, mắt…
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Hoteljob.vn sẽ hữu ích với một bộ phận Housekeeping mới vào nghề trong việc tìm hiểu và tổng hợp kiến thức chuyên ngành hỗ trợ cho công việc hiện tại. Ứng viên tìm việc buồng phòng cũng cần biết những thông tin này để hình dung nhiệm vụ và môi trường làm việc, chuẩn bị tốt cho công việc trong tương lai.
Theo Hoteljob.vn