Kết quả kinh doanh CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) – đơn vị sở hữu Mường Thanh Grand Phương Đông khởi sắc trở lại sau sự hiện diện của Tập đoàn Mường Thanh với lợi nhuận sau thuế đạt gần 5 tỷ đồng trong năm 2016, tăng mạnh so với con số 783 triệu đồng năm trước đó.
CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông ( PDC ) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Nghệ An với tên gọi Khách sạn Phượng Hoàng. Đến năm 2007, PDC được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản với hoạt động chính là kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.
Năm 2011, toàn bộ phần vốn PDC thuộc sở hữu của PVN được chuyển giao sang nhóm cổ đông Ocean Group. Với sự thay đổi cơ cấu cổ đông, hoạt động kinh doanh của PDC cũng dịch chuyển theo. Nếu như trước đây, kinh doanh phân bón chiếm phần lớn doanh thu PDC thì kể từ khi có sự hiện diện của nhóm Ocean Group, doanh thu mảng kinh doanh này đã ngày càng sụt giảm, trong khi doanh thu khách sạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn. Điều này cũng không khó hiểu khi Ocean Group có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng với chuỗi Star City, Sunrise.
Dù vậy, kể từ sau sự hiện diện của nhóm cổ đông mới, kết quả kinh doanh của PDC vẫn không cải thiện là bao, thậm chí năm 2015 chỉ đạt doanh thu 65 tỷ đồng và lợi nhuận chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2011, thời điểm nhóm Ocean Group bắt đầu tham gia vào PDC thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khả quan hơn rất nhiều với doanh thu 124 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng.
Sự hiện diện của Ocean Group chưa đủ giúp PDC hồi sinh
Giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group, PDC lại một lần nữa đổi chủ. Lần này, cái tên thay thế Ocean Group trở thành cổ đông lớn tại PDC là gia đình ông Lê Thanh Thản – ông chủ tập đoàn Mường Thanh với biệt danh “đại gia điếu cày”. Hiện tại, nhóm cổ đông Lê Thanh Thản đang nắm giữ khoảng 10,05 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng 67% vốn điều lệ công ty. Theo ước tính, “đại gia điếu cày” đã chi khoảng 70 tỷ đồng để nắm quyền sở hữu PDC.
Về tay Mường Thanh, PDC đang dần sống lại
Nói về ông Lê Thanh Thản, từ việc khởi nghiệp xây dựng cách đây gần 30 năm tại Điện Biên, đến nay ông đã xây dựng nên tập đoàn Mường Thanh với hệ thống gần 50 khách sạn từ 3 – 5 sao trải dài khắp cả nước. Có thể nói, Mường Thanh hiện là một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất Việt Nam. Không những vậy, Mường Thanh còn vươn tới thị trường Lào với khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane tiêu chuẩn 5 sao và là một trong những tòa nhà cao nhất tại Lào.
Không chỉ nổi danh với hệ thống khách sạn, tập đoàn Mường Thanh còn gây dựng tên tuổi với chuỗi nhà ở xã hội. Trước đây, ông Thản từng chia sẻ: “Khách sạn chỉ là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội và lấy chỗ dựa để thúc đẩy thêm ngành bất động sản. Khi nào bất động sản kém rồi thì lấy khách sạn làm chính”.
Trở lại với PDC, nếu chỉ xét đến hoạt động kinh doanh đơn thuần, sẽ chẳng có nhiều điều hấp dẫn để đại gia Thản nhập cuộc. Tuy nhiên, PDC lại có lợi thế khi nắm trong tay các tài sản chất lượng thuộc lĩnh vực khách sạn, nhà hàng tại Nghệ An và đây là điều mà tập đoàn Mường Thanh nhắm đến.
Khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông tại Tp. Vinh – Nghệ An.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của PDC là việc sở hữu khách sạn Phương Đông, một trong những khách sạn hiện đại nhất nhì của tỉnh Nghệ An với tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc tại số 2 đường Trường Thi, Vinh. Sau khi về tay Mường Thanh, khách sạn Phương Đông hiện đã đổi tên thành Mường Thanh Grand Phương Đông. Trước đây, PDC còn hợp tác với Ocean Group phát triển dự án Khách sạn Cửa Đông. Sau khi Mường Thanh thâu tóm, khách sạn này cũng đã đổi tên thành Mường Thanh Grand Cửa Đông.
Sau khi về tay Mường Thanh, hoạt động kinh doanh PDC đã có những tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Trong năm 2016, PDC đạt gần 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số 783 triệu đồng năm trước đó. Quý 1/2017, PDC tiếp tục đạt 3,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ hơn 200 triệu đồng.
Theo Hoàng Anh
Trí thức trẻ