Tâm sự nghề khách sạn: “Ai bảo làm lễ tân là dễ?”

Theo bạn, làm lễ tân dễ hay khó? Nếu câu trả lời là dễ thì dễ ở điểm nào? Còn nếu là khó thì vì sao lại khó?

“Tôi vẫn thường nghe bạn bè bảo “Mày làm Lễ tân sướng thế. Công việc khỏe ru mà được mặc đẹp cả ngày!”. Đáp lại tôi chỉ cười, vì công việc của một Lễ tân đơn giản hay khó nhọc không phải ai cũng thấu hiểu được.

Tôi yêu thích nghề Lễ tân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc đó trong đầu đã luôn nghĩ đến hình ảnh mình trở thành một cô gái chỉn chu từ đầu đến chân sẽ cúi gập người xuống để chào đón khách và nở một nụ cười thật tươi. Thân thiện, gần gũi nhưng không kém phần trang trọng, nghiêm túc.

Tuy nhiên, 4 năm đại học và 2 năm đi làm của tôi lại gắn liền với các con số – công việc của một kế toán. Và rồi khi công việc đang dần trở nên thuận lợi hơn, tôi đã quyết định thay đổi hướng đi. Từ bỏ vị trí hiện tại, tôi quyết tâm xin vào làm một khách sạn lớn làm Lễ tân – điều mà tôi đã nuôi dưỡng từ rất lâu.

Biết trước với sự bắt đầu lại này tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với niềm yêu thích cháy bỏng, tôi không ngần ngại thay đổi và dấn thân.

Với vốn tiếng anh kha khá của mình, tôi xin vào làm cho một khách sạn tầm cỡ tại Quận 1 (TP.HCM). Mỗi ngày đều tiếp xúc với khoảng 150 – 200 khách và phải đảm bảo ấn tượng đầu tiên giữa tôi và khách hàng là tích cực và thân thiện. Điều mà trước đây, khi còn là một kế toán tôi không cần phải chú trọng.

Tôi phải có mặt ở nơi làm việc từ đúng 6h30 sáng để bắt đầu nhận việc, sắp xếp lại giấy tờ và chuyển tiếp đến các bộ phận có liên quan. Sau đó, bất kể giờ nào, các vị khách đầu tiên sẽ xuất hiện và tôi chào đón họ bằng nụ cười xinh tươi nhất có thể. Khi tiếp nhận yêu cầu đặt phòng, tôi phải có được thông tin một cách chính xác, đầy đủ đồng thời đảm bảo sự thoải mái cho khách.

Đây cũng là lúc tôi tư vấn thêm cho khách hàng những dịch vụ mà khách sạn của mình có thể cung cấp miễn phí như giới thiệu các địa điểm du lịch gần trong nội thành, số xe buyt đi lại, số điện thoại hãng taxi, và cung cấp cho họ thêm bản đồ thành phố. Ngoài ra có các dịch vụ trả phí mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị như thuê xe đi chơi, tour du lịch ngắn ngày, mát xa nghỉ dưỡng…

Nếu khách đông, tôi sẽ giới thiệu cho khách qua khu vực chờ ngồi chờ và không quên gọi nhân viên phục vụ mang đến cho họ những ly nước mát lạnh cùng đồ ăn nhẹ. Tôi luôn phải lưu ý đến các nhu cầu của khách để phục vụ kịp thời, đảm bảo khách hàng có được những ngày lưu trú thoải mái và hài lòng nhất.

Khi trả phòng, tôi sẽ tổng hợp chính xác những dịch vụ khách đã sử dụng trong khách sạn và cung cấp hóa đơn khi khách cần. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến hết ca làm việc. Đôi khi tôi tăng ca hoặc làm ca tối thì khoảng 23h tôi mới kết thúc công việc để về nhà.

Vào mùa du lịch, số lượng khách ra vào khách sạn rất lớn nên yêu cầu tôi và đồng nghiệp phải luôn chuẩn bị đủ năng lượng để thực hiện công việc thuận lợi. Chúng tôi luôn trong trạng thái có thể đảm đương đồng thời các công việc như trả lời điện thoại gọi đến, tư vấn, nhận thông tin, đón khách, tiễn khách, mở và trả lời mail, chuyển fax thông tin…

Một trong những yêu cầu quan trọng của người Lễ tân chính là nụ cười và thái độ niềm nở. Trong bất kỳ tình huống nào, tôi phải luôn giữ được nụ cười trên khuôn mặt mình và thể hiện sự tôn trọng, sẵn sàng phục vụ.

Ảnh nguồn Internet

Gặp gỡ khách nước ngoài là chuyện bình thường của Lễ tân làm trong khách sạn lớn. Tôi cũng tranh thủ tìm hiểu thêm nền văn hóa của một số nước để khi đối diện với những người khách đến từ nước này không phải bối rối. Hơn nữa nó còn giúp ích rất nhiều trong việc ghi dấu ấn chuyên nghiệp và đẳng cấp của khách sạn tôi làm việc.

Bạn bè tôi vẫn bảo “Làm Lễ tân có gì khó đâu!”, hẳn nhiên họ vẫn nghĩ chỉ cần bạn có ngoại hình, giỏi giao tiếp là hoàn toàn có thể làm Lễ tân. Nhưng phía sau những hình ảnh đẹp đẽ mỗi ngày, được gặp gỡ và kết bạn với nhiều người thì công việc của một Lễ tân thực sự không hề dễ dàng.

Tôi luôn phải đảm bảo tính chính xác và kịp thời trong tất cả mọi trường hợp. Sai một li, đi một dặm nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả ảnh hướng lớn đến uy tín và doanh thu của khách sạn. Không ít lần tôi và đồng nghiệp cũng gặp phải các vị khách thiếu khiếm nhã, và tôi phải tìm cách ứng khéo léo sao cho khách hài lòng mà không ảnh hưởng đến hình ảnh khách sạn.

Hơn ba năm làm công việc Lễ tân với lịch làm việc từ thứ 2 đến chủ nhật, lâu mới có một ngày nghỉ thì trôi qua rất nhanh, thời gian giành cho gia đình, bạn bè và các cuộc đi chơi, du lịch giường như ngắn lại, ít hẳn đi. Những ngày cận Tết này, khách lưu trú ở khách sạn tăng lên gấp nhiều lần, tôi phải nỗ lực làm việc từ sáng đến tối khuya và chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ vì tôi được làm công việc mình yêu thích, gia đình luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành công việc. Đó thật sự là động lực lớn giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, bước tiếp trên con đường đam mê.

Ảnh nguồn Internet

Vậy nên chỉ với việc được mặc đẹp mỗi ngày, gặp gỡ nhiều người, làm việc trong môi trường sang trọng thôi chưa đủ để nói về nghề Lễ tân khách sạn. Phải vào nghề thì mới biết được rằng chúng tôi cũng đã đánh đổi không ít và chịu nhiều áp lực công việc như các ngành nghề khác. Đấy, ai bảo làm Lễ tân là dễ nào!”

Ms.Smile

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục