Sáng 12.7 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban tổ chức (BTC) Năm du lịch quốc gia (NDLQG) 2018 đã họp phiên thứ nhất với sự tham gia của các thành viên BCĐ, BTC, các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đồng trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Những năm gần đây, địa phương nào đăng cai NDLQG cũng tạo ra dấu ấn mới về phát triển du lịch. Gần đây nhất là NDLQG 2016- Phú Quốc, Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã có sự phát triển đột phá. Mức tăng trưởng khách quốc tế đạt 35%; thu hút rất nhiều dự án du lịch lớn về đảo ngọc Phú Quốc. Việc tổ chức NDLQG, vừa là để thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước thường xuyên, vừa tạo ra bước phát triển có tính chất đột phá của địa phương đăng cai và cả nước”.
“Hiện nay, Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế trên 30%, đứng thứ 7 trong số các nước có mức tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao chỉ tiêu ngành Du lịch đạt mức tăng trưởng 30- 50% trong năm 2017. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo TCDL thực hiện ngay các giải pháp cụ thể, trước mắt để có được mức tăng khoảng 40%”, Bộ trưởng nói.
Các nhà đầu tư lớn làm thay đổi diện mạo du lịch Quảng Ninh
Thay mặt địa phương đăng cai NDLQG 2018, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên BCĐ, Phó trưởng ban thường trực BTC cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh đã rất chủ động chuẩn bị tổ chức NDLQG 2018, huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thuộc Tỉnh chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức các chương trình của sự kiện du lịch lớn nhất năm 2018 này”. Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch mới, phát triển không gian du lịch. Đến nay, một số công trình hạ tầng về giao thông và hạ tầng du lịch đã phát huy hiệu quả và tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch như: dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí- Hạ Long, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo huyện Vân Đồn; phủ sóng di động đến phạm vi toàn tỉnh, phủ sóng 3G đến tất cả các điểm du lịch, triển khai mở rộng băng thông các đường truyền.
“Cùng với việc đầu tư hạ tầng, việc tích cực đầu tư các sản phẩm du lịch từ các doanh nghiệp du lịch hàng đầu đất nước tại Quảng Ninh đã làm thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh này. Điển hình như dự án của các tập đoàn Sun Group, Vin Group, FLC, BIM Group, Tuần Châu, My Way, Mường Thanh… đã góp phần tạo nên các điểm đến mới, giữ chân khách du lịch trong và ngoài nước lâu hơn, tăng chi tiêu tại điểm đến của du khách nhiều hơn”, bà Vũ Thị Thu Thủy khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó trưởng ban thường trực BCĐ, Trưởng BTC NDLQG 2018 cho biết thêm: “Cùng với đó, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án quan trọng, nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng quý I.2018 như đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng; cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân II; dự án sân bay quốc tế Vân Đồn (do tập đoàn Sun Group đầu tư) và các dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn- Móng Cái; dự án đường caop tốc Vân Đồn- Móng Cái; dự án sân golf 18 lỗ và khu nghỉ dưỡng FLC Hạ Long với trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, nhiều biệt thự cao cấp đủ tiêu chuẩn đón các nguyên thủ; dự án khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Quang Hanh; tích cực tìm kiến các nguồn lực để triển khai các dự án cải tạo và nâng cấp cảng Cái Rồng (Vân Đồn), dự án cảng bắc đảo Cái Bầu (Vân Đồn); dự án cảng khách du lịch Hòn Gai, cảng Vũng Đục (Cẩm Phả); dự án đầu tư các điểm neo đậu tàu lưu trú trên vịnh Bái Tử Long và nhiều dự án khác”.
Về sản phẩm du lịch, Quảng Ninh tập trung phát triển bốn nhóm sản phẩm dịch vụ: Nhóm sản phẩm vùng du lịch Hạ Long; nhóm sản phẩm vùng du lịch biên giới Móng Cái, nhóm sản phẩm du lịch lịch sử- văn hóa tại Yên Tử- Đông Triều và nhóm sản phẩm du lịch biển, đảo tại Vân Đồn- Cô Tô. Trong đó, rất nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ được đánh giá cao như sản phẩm du lịch tàu biển; trung tâm thương mại Vincom Hạ Long centre, Vinpearl Halong Bay resort, khu vui chơi giải trí Marina Plaza, công viên Đại dương, công viên Nữ Hoàng, một số khách sạn cao sao, dự án cáp treo tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân- Hồ Thiên (Đông Triều), đặc biệt phát huy lợi thế của Quảng Ninh về du lịch biển đảo, vui chơi giải trí…
Đến nay, toàn tỉnh đã có 32 tuyến, 78 điểm du lịch của 10/14 địa phương được UBND tỉnh công nhận.
Công tác hợp tác quốc tế, liên kết các khu vực, quảng bá xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được tỉnh chú trọng. Các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến với các nội dung và hình thức khác nhau, triển khai chương trình tiếp thị, quảng bá, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Nga, vương quốc Anh…; đưa vào khai thác nhiều gói kích cầu du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quảng Ninh cũng đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong việc quảng bá hình ảnh điểm đến, phát triển thị trường như: Câu lạc bộ vịnh đẹp nhất Thế giới, Diễn đàn du lịch Đông Nam Á, mạng lưới các Di sản thiên nhiên thế giới và khu vực châu Á- Thái Bình Dương, một số địa phương của Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản và đang tiếp tục được mở đến các nước tại châu Mỹ cùng một số thị trường lớn khác trên thế giới.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Báo Văn hóa Online
Tạo đà làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam
Theo đề án về Chương trình NDLQG 2018, tên tiếng Việt sẽ là: “Năm du lịch quốc gia 2018- Hạ Long, Quảng Ninh” (tên tiếng Anh: “Visit Viet Nam Year 2018- Ha Long, Quang Ninh”); biểu tượng (logo) là hình ảnh hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long và biểu tượng Di sản thế giới quen thuộc; chủ đề (slogan) sẽ là: Hạ Long- di sản, kỳ quan- điểm đến thân thiện”.
Có 4 sự kiện chính dự kiến được tổ chức tại Quảng Ninh trong NDLQG 2018. Trong đó, Lễ công bố, khai mạc “Năm du lịch quốc gia 2018- Hạ Long, Quảng Ninh” và chương trình Carnaval Sun Hạ Long 2018, diễn ra ngày 28.4.2018 tại Công viên Hạ Long Park (TP Hạ Long), truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Khai mạc Lễ hội Yên tử gắn với khánh thành Trung tâm lễ hội và dịch vụ thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (dự án được đầu tư 1.000 tỷ đồng), diễn ra vào tháng 2.2018 (ngày 10, tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018) tại TP Uông Bí. Lễ hội hoa anh đào- mai vàng Yên Tử 2018 diễn ra vào tháng 3 tại TP Uông Bí. Lễ bế mạc “Năm du lịch quốc gia 2018- Hạ Long, Quảng Ninh” đồng thời với Lễ khai mạc Diễn đàn du lịch Đông Nam Á (ATF) 2019 do Việt Nam đăng cai và giải golf Hạ Long- FLC 2019 mở rộng, diễn ra đầu tháng 1.2019 tại Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC (cột 5 phường Hồng Hải, TP Hạ Long), truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, 14 huyện, thị xã, TP trong tỉnh Quảng Ninh đều có các chuỗi sự kiện được tổ chức theo nội dung, chủ đề đã được xây dựng trong Đề án.
Đến nay đã có 33 sự kiện của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký tham gia hưởng ứng, kết nối trong NDLQG 2018- Hạ Long, Quảng Ninh.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, Trưởng BCĐ Nguyễn Văn Đọc cho biết: Đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc và vận động doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng NDLQG 2018. Nhiều công trình, dự án quan trọng của tỉnh sẽ hoàn thành trong thời gian tới đây. Ngay sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ hoàn thiện Chương trình NDLQG 2018, ký kết thỏa thuận tuyên truyền với các đài truyền hình, cơ quan báo chí lớn và sau khi Chương trình được ban hành sẽ tiến hành họp báo. BCĐ, BTC và các địa phương cũng sẽ có kế hoạch cụ thể cho công tác xúc tiến, quảng bá cho NDLQG 2018, đặc biệt là hỗ trợ Quảng Ninh xúc tiến, khai thác các thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, các nước Ả Rập, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL và các đồng chí đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong BCĐ, BTC tiếp tục phối hợp chỉ đạo Chương trình NDLQG 2018. Đề nghị Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành hỗ trợ Quảng Ninh phát triển cơ sở hạ tầng, ban hành các chính sách du lịch thông thoáng theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề nghị các HHDL, doanh nghiệp hỗ trợ Quảng Ninh tổ chức thành công NDLQG 2018.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL, Ủy viên thường trực BCĐ, Phó trưởng BTC cho rằng: “Từ năm 2003 khi Quảng Ninh được lựa chọn thí điểm tổ chức NDLQG đến nay, chưa bao giờ có tỉnh, thành phố nào hội tụ các yếu tố tốt như Quảng Ninh bây giờ về các điều kiện để tổ chức NDLQG. Có thể thấy, các nhà đầu tư lớn nhất nước đều hiện diện ở Quảng Ninh, làm thay đổi cơ bản tình trạng của du lịch tỉnh này. Ngay sau khi đăng cai NDLQG, Quảng Ninh lại được chọn là nơi tổ chức ATF 2019.”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá rất cao sự chủ động và công phu trong công tác chuẩn bị tổ chức NDLQG 2018 của Quảng Ninh. Cho đến thời điểm này đã có rất nhiều cơ sở hạ tầng mới, cơ sở lưu trú mới, tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới và có nhiều dư địa, cơ hội để phát triển. Bất kỳ địa phương nào được chọn đăng cai tổ chức NDL cũng có được cơ hội lớn để phát triển và cơ hội tạo bước chuyển biến thực sự đột phá ở Quảng Ninh về du lịch là rất rõ. Quảng Ninh nói riêng và ngành Du lịch nói chung cần nâng cao hơn nhận thức trong cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, tạo môi trường du lịch thân thiện, mến khách, sạch sẽ, văn minh với nụ cười Hạ Long và điểm đến Việt Nam uy tín, chất lượng, thân thiện.
Cơ bản nhất trí với Đề án Chương trình NDLQG 2018, Bộ trưởng chỉ đạo: “Bộ VHTTDL giao TCDL là đầu mối của Bộ xây dựng, tổ chức, triển khai Chương trình NDLQG 2018. Kinh phí tổ chức NDLQG theo nguyên tắc huy động xã hội hóa cao nhất (từ 50% trở lên), có quyền lợi xứng đáng cho các doanh nghiệp tài trợ. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động, quan tâm chỉ đạo để hưởng ứng, kết nối với NDLQG 2018 nhằm tạo ra sự lan tỏa, làm nổi bật ý nghĩa của NDLQG trên phạm vi cả nước và quan trọng nhất là thu hút được nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đạt mức tăng trưởng trên mức tăng trung bình của cả nước (từ 40% trở lên), nâng cao được chất lượng dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Cơ bản thống nhất với tên gọi và logo của Chương trình. Riêng slogan nên cân nhắc để ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, ấn tượng hơn”.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh các địa phương đã hưởng ứng, phối hợp tổ chức NDLQG 2018. Theo đó, các địa phương lựa chọn những hoạt động nổi bật nhất của địa phương mình, phù hợp với chủ đề của NDL, kết nối được với các địa phương khác để tổ chức tốt NDLQG, thu hút khách du lịch, giữ chân khách lưu trú lâu hơn, khách tham gia được nhiều sự kiện ở Việt Nam hơn.
“Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất cao của toàn bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế lớn; các cam kết của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì NDLQG 2018- Hạ Long, Quảng Ninh và ATF 2019 do Việt Nam đăng cai sẽ được tổ chức thành công. Từ đó, du lịch Quảng Ninh sẽ có vị thế mới, hình ảnh du lịch Quảng Ninh và du lịch Việt Nam sẽ khác và chúng ta có đà để làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh Du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kết luận.
Theo: Báo Văn hóa Online