Ngày 3/8 tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết từ 1/9/2017 sẽ áp dụng mức vé tham quan Hoàng cung Huế (Đại Nội) đồng giá đối với cả khách quốc tế và khách Việt Nam.
Giá vé tham quan Hoàng cung Huế trước đây là 150.000 đồng đối với khách quốc tế và 120.000 đồng đối với khách Việt. Nay để đảm bảo thống nhất mức thu phí áp dụng cho khách quốc tế và khách Việt Nam theo quy định của Chính phủ, từ 1/9/2017 giá vé cả 2 đối tượng khách đều 150.000 đồng. Riêng mức vé tham quan các lăng vua vẫn giữ như cũ là 100.000 đồng đối với cả 2 đối tượng khách.
Hết miễn giảm 20% giá vé cho khách Việt nhưng mức giá vẫn vừa phải
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thực ra giá vé này không tăng với khách Việt. Nguyên nhân giá vé 120.000 đồng từ trước là giá đã được miễn giảm 20% cho người Việt.
“Ở kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 1 năm trước đã tính toán kỹ, và thông qua mức giá mới đối với vé Hoàng cung Huế là 150.000 đồng với cả khách quốc tế và khách Việt. Tuy nhiên Trung tâm Bảo tồn chúng tôi đã đề xuất miễn giảm 20% cho khách Việt nên giá hơn 1 năm trước là 120.000 đồng với khách Việt. Giờ đã hết thời gian miễn giảm, ưu tiên cho khách Việt nên giá về lại mức 150.000 đồng như cũ với khách Việt” – ông Hải giải thích.
Trong khi giá vé tham quan ở nhiều nước trên thế giới và các địa phương khác ở Việt Nam tăng rất cao thì ở Huế vẫn cố gắng giữ nguyên mức giá cũ. Sự điều chỉnh mức giá vé tại Hoàng cung Huế chỉ là điều chỉnh cục bộ, bỏ chế độ ưu tiên chứ không tăng giá.
Nếu so với các khu danh thắng, di tích lịch sử tại Việt Nam thì mức giá tham quan Hoàng cung Huế 150.000 đồng theo ông Hải là vừa phải. Như khu Tràng An – Ninh Bình giá đến 200.000 đồng, Thánh địa Mỹ Sơn giá 150.000 đồng, Động Thiên Đường – Quảng Bình giá hơn 250.000 ngàn đồng…
Kể từ 1/9 khách Việt và khách quốc tế tham quan Hoàng cung Huế có cùng 1 mức giá vé 150.000 đồng như trước đây đối với chỉ riêng khách quốc tế
Riêng so với các danh thắng ở châu Á, thì giá vé các nước cao hơn nhiều, ví dụ như Hoàng cung Thái Lan chỉ rộng 6 hecta (so với tham quan Hoàng cung Huế rộng 40 hecta và có được tham quan thêm điểm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) có giá vé quy ra tiền Việt khoảng gần 350.000 đồng; Hoàng cung Campuchia rất nhỏ và quy định tham quan hạn chế có giá 150.000 đồng; Hoàng cung Trung Quốc từ gần 250.000 đến hơn 300.000 đồng tùy mùa thấp điểm hay cao điểm; Đền Angkor (Campuchia) giá 37 USD/ngày; Cố đô Bagan (Myanmar) giá 15 USD/ngày…
Khách lưu trú tại Huế có ảnh hưởng?
Một số ý kiến các hãng lữ hành, hướng dẫn viên cho rằng với mức giá vé khách Việt lên 150.000 đồng từ 1/9 tới sẽ làm giảm số ngày lưu trú tại Huế? Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, 2 khái niệm “khách lưu trú” và “khách tham quan di tích” khác nhau hoàn toàn. Thực tế lượng khách lưu trú đến Huế 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá chậm, chỉ tăng 2,08% so cùng kỳ, trong khi đó khách tham quan di tích Huế tăng đến hơn 20% trong đầu nửa năm 2017.
Tính đến hết ngày 31/7, di tích Huế đã thu hút 1.874.895 lượt khách đến tham quan (1.024.158 khách quốc tế và 850.737 khách Việt). Thống kê chung là khách quốc tế tăng hơn 26,5% và khách Việt tăng gần 12%. Con số này chưa kể hơn 20.000 khách tham quan Đại Nội về đêm và hàng chục ngàn lượt khách được miễn giảm phí theo chế độ.
Chương trình “Đại Nội về đêm”, tham quan Hoàng cung Huế về đêm đang hấp dẫn du khách
Kế hoạch năm 2017 di tích Huế cần thu vé tham quan 260 tỷ, đến nay đã thu được hơn 198 tỷ, theo dự tính với số lượng khách tăng như hiện nay, di tích Huế sẽ vượt kế hoạch, thu đạt đến 300 tỷ trong năm nay.
“Qua con số này, cho thấy khách lưu trú ở Huế giảm do nhiều nguyên nhân như chất lượng khách sạn, chỗ vui chơi về đêm ở Huế rất thiếu… chứ không thể nói là do giá vé của di tích được” – ông Hải phân tích.
Theo: Đại Dương – Báo Dân trí