Dưới mái nhà chung Mường Thanh, 7.000 nhân viên là 7.000 cá thể khác biệt với những tính cách và đam mê chẳng ai giống ai. Với một số người, những đam mê ngoài công việc đó còn được nuôi dưỡng bền bỉ qua năm tháng và giúp họ tạo nên góc cá tính ấn tượng. Anh Lê Đức Tuấn Định – Giám sát thiết kế tại Văn phòng điều hành Tập đoàn (VPĐH) là một con người như thế.
Không sở hữu phong cách có phần “sáng tạo, khác người” như những gì thường được hình dung về nghề thiết kế, anh Lê Đức Tuấn Định lại là con người rất giản dị. Ít ai biết rằng sau những giờ cống hiến cho công việc, anh Tuấn Định còn là một họa sỹ đầy cá tính trong thế giới tranh vẽ của riêng mình.
Con người thực tế của công việc
Bắt đầu làm việc tại Mường Thanh từ năm 2013, đến nay anh Tuấn Định đã có hơn 3 năm gắn bó với VPĐH. Anh nhớ lại thời điểm đó, khi Văn phòng mới thành lập chỉ có khoảng 15 người. Đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Mường Thanh, quân số Phòng Thiết kế đã lên tới 6 người và đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn.
Anh Tuấn Định bên cạnh tác phẩm của mình.
Trong vai trò là phụ trách giám sát thiết kế của Tập đoàn, công việc đòi hỏi ở anh Tuấn Định chuyên môn vững vàng, kỹ năng quản lý và điều phối công việc cùng sự am hiểu thương hiệu đến chân tơ kẽ tóc. Đồng thời, các thiết kế còn phải thường xuyên đổi mới để theo kịp xu hướng sáng tạo trên thế giới, giữ cho hình ảnh Mường Thanh chuẩn mực, đồng nhất mà vẫn sống động trong tiềm thức của khách hàng.
Có những thời điểm hàng loạt khách sạn và các dự án mới của Mường Thanh đi vào hoạt động cùng lúc, phòng thiết kế gần như làm việc 150% công suất với đủ loại ấn phẩm truyền thông, các bộ nhận diện thương hiệu và nhiều hạng mục thiết kế ứng dụng khác….
Nói về cơ duyên của mình với Mường Thanh, anh vui vẻ “thú nhận” ban đầu không coi đây sẽ là điểm dừng chân lâu dài cho sự nghiệp, “Nhưng trong hơn 3 năm làm việc tại Mường Thanh, mình chưa hề nghĩ sẽ thay đổi công việc đến một nơi khác. Môi trường làm việc ở Mường Thanh năng động và cởi mở, phù hợp với những bạn trẻ có năng lực và mong muốn phát triển sự nghiệp bền vững. Đó cũng là lý do chính khiến mình gắn bó với Mường Thanh đến tận bây giờ.”
“Đảo ngược” là một đam mê
Đằng sau hình ảnh nghiêm túc trong công việc, anh Tuấn Định còn là một họa sỹ trẻ với các quan điểm sống thú vị. Hiện anh đang là hội viên chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội. Anh là một trong số ít những họa sỹ tại Việt Nam theo đuổi trường phái hội họa mới có cái tên khá lạ Upsidedownism – Tranh đảo ngược với một số thành công nhất định. Các tác phẩm của anh đã từng được tham dự những triển lãm tranh quốc tế uy tín.
Upsidedownism là trường phái sáng tác do Nguyễn Đại Giang – một họa sỹ người Việt hiện đang sống tại Mỹ sáng tạo ra cách đây 16 năm. Đặc trưng của trường phái này là những hình khối, đường nét trong các tác phẩm khá “kỳ lạ, ngược ngạo và không thuận mắt” khiến cho người xem dễ bị sốc nếu đã quen với quan điểm mỹ học cổ, chỉ ưa cái đẹp được thể hiện rõ rệt trong tranh.
Đúng như quan điểm của trường phái này, Đảo ngược là bởi: “Quan niệm đời sống, cuộc đời chỉ có sống và chết, hạnh phúc và khổ đau, khỏe và yếu, đúng và sai, có lý và vô lý… đó là điều thông thường. Nhưng, cuộc sống cũng như thiên nhiên không đơn giản và rạch ròi như vậy.” Sự hài hòa của một bức tranh đôi khi đến từ những hình ảnh tưởng như đảo ngược như thế.
Tác phẩm của anh Tuấn Định được gửi đi triểm lãm tranh quốc tế tại Hàn Quốc trong năm 2016.
Nói về lựa chọn của mình đối với trường phái này, anh Tuấn Định cho biết nó khiến anh khá tâm đắc khi diễn tả được hết những tư tưởng, tình cảm mà mình muốn thể hiện. Tự nhận mình là một “nông dân đích thực”, tranh của họa sỹ Tuấn Định trở nên “quen mà lạ” bởi những khung cảnh gắn liền với đời sống nông thôn và ký ức tuổi thơ của nhiều người nhưng được sắp xếp trong những bố cục mới mẻ, lạ lùng để diễn tả nhiều tư tưởng sâu xa đến từ thế giới nội tâm phong phú của chính tác giả.
Ngắm tranh của anh, người xem sẽ thấy mắt mình được giải trí với sắc màu và hình khối tươi sáng, ngộ nghĩnh, đồng thời lại có chút nhăn trán suy tư xem điều gì thú vị ẩn sau những gương mặt lộn ngược hay những đồ vật được sắp xếp “khó hiểu” như thế.
Dù công việc luôn bận rộn, nhưng với anh, hội họa dường như là một phần không thể thiếu và khiến anh bền bỉ theo đuổi đã gần 10 năm.
Khi được hỏi về việc làm thế nào để cân bằng giữa niềm đam mê có vẻ rất bay bổng này với công việc tại Mường Thanh, anh thẳng thắn chia sẻ: “Mình là một người khá thực tế. Trong công việc, mình cố gắng đáp ứng tốt yêu cầu công việc để xứng đáng với những gì công ty dành cho. Trong hội họa, mình tư duy dưới một góc độ khác, với những cảm xúc khác. Ngoài ra, thay vì dành trọn vẹn thời gian cho đam mê, công việc khiến mình cân bằng hơn, có những điều kiện tốt để duy trì nó bền vững mà không gặp phải bất cứ áp lực nào”.
Cách định vị mình là một “họa sỹ thực tế” nghe có vẻ rất lạ, nhưng lại giúp anh đứng vững trong cả hai vai trò – một nhân viên của Mường Thanh với những kinh nghiệm làm việc dày dặn, một họa sỹ trẻ tâm huyết trên chặng đường chinh phục đam mê rất dài đang mở ra trước mắt. Để làm được điều đó, có lẽ không chỉ là khi những quan điểm sống được vạch ranh giới rõ ràng mà còn là sự kiên định và khả năng thích nghi tuyệt vời của một con người luôn dồi dào năng lượng sống tích cực.