Trong 10 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như, tập trung xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV; hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành và quản lý hướng dẫn viên.
Bên cạnh đó, thực hiện Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc, 10 tháng qua Tổng cục Du lịch đã ra quyết định thu hồi hạng sao đối với 23 khách sạn 3-4 sao không đạt tiêu chuẩn tại nhiều trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Huế, TP. HCM; hoàn thiện hồ sơ thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, Cộng hòa Séc…
Ngành Du lịch cũng đã đón nhiều đoàn “famtrip” của các doanh nghiệp, quốc gia đến khảo sát tìm hiểu điểm đến và tổ chức hội nghị gồm 220 đại diện các hãng lữ hành của Đức và Áo; Tây Âu, Anh, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Iran, Nga, Áutralia, Indonesia.
Phối hợp tổ chức thành công các Hội chợ VITM Hanoi 2016, BMTM Da Nang 2016, Festival Huế 2016, ITE HCMC 2016; triển khai các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2016 và công tác chuẩn bị Năm Du lịch Quốc gia 2017, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018-2020.
Đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao trong khuôn khổ ABG5; xây dựng đề án đăng cai tổ chức diễn đàn du lịch Asean Atf và Hội chợ du lịch Travex 2019; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Nhiều địa phương đã có những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp. Hàng loạt hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí mới, hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế của các nhà đầu tư có tiềm lực như Sungroup, Vingroup, Mường Thanh, FLC, TTC… được đưa vào hoạt động. Tính đến hết tháng 10/2016, cả nước có 20.500 khách sạn với 408.500 buồng trong đó có 107 khách sạn 5 sao với 30.598 buồng, 231 khách sạn 4 sao với 29.746 buồng và 455 khách sạn 3 sao với 31.773 buồng.
Một số tỉnh, thành phố đã có những chính sách tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian vừa qua như: Ưu tiên vị trí, hỗ trợ bàn giao mặt bằng cho các dự án du lịch, phát triển hạ tầng du lịch (Quảng Ninh, Bình Định, Kiên Giang…); tăng cường kết nối, nâng cao năng lực vận chuyển khách du lịch (Khánh Hòa, Đà Nẵng…); tăng cường bảo đảm an ninh, tạo môi trường thân thiện thu hút khách du lịch (Đà Nẵng, Hà Nội…); đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách du lịch (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lào Cai…).
Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, tham gia 8 hội chợ du lịch quốc tế: Travex, ITB Berlin, MITT, GES, TTM plus, TopResa, PATA Travel Mart, JATA; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Trung Quốc; Đài Loan, Australia, Kazakhstan, Uzbekistan…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn hoạt động hoạt động du lịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục; công tác quản lý hoạt động khách du lịch một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập; tai nạn đối với khách du lịch còn xảy ra tại nhiều địa phương; nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế nhiều về trình độ chuyên môn, ứng xử thiếu chuyên nghiệp.
Nói về nhiệm vụ trong những cuối năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2016, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tốc độ tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến năm 2016, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ được 9,7 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 400.000 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 230.000 tỷ đồng (tổng giá trị xuất khẩu du lịch đạt tương đương 10 tỷ USD).
Trong 2 tháng cuối năm 2016, ngành Du lịch đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như, tổ chức có hiệu quả các Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 9 thành phố của Trung Quốc và tại Tây Ban Nha, các nước ASEAN; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế WTM (Anh), CITM (Trung Quốc).
Đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển, tổ chức 2 hội nghị kích cầu du lịch miền Trung, 2 đoàn khảo sát cho doanh nghiệp và báo chí, chương trình giới thiệu du lịch khu vực miền Trung tại Thái Lan. Trình phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia; tổng kết Năm Du lịch quốc gia 2016 và triển khai chuẩn bị Năm Du lịch quốc gia 2017; tổ chức phiên họp hợp tác du lịch Việt Nam- Nhật Bản…
Tại buổi họp báo thông báo về tình hình hoạt động du lịch 10 tháng đầu năm 2016, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã trả lời câu hỏi của phóng viên các báo liên quan tới các nội dung cơ bản trong Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Theo đó, Đề án đã trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị xem xét thông qua. Dựa trên những đánh giá về thành quả đạt được cũng như những hạn chế của ngành Du lịch, Đề án được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chính, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đón 16-17 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 32-33 tỷ USD, tạo ra 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành.
Đề án đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó sẽ đề xuất tập trung triển khai ngay một số giải pháp như: Chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho khách du lịch; Tăng cường nguồn lực đầu tư vào hoạt động xúc tiến quảng bá một cách hiệu quả; Tăng cường quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch; Kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ…
Phương Hiếu