Cải thiện chất lượng nhân lực… đưa du lịch Hà Tĩnh thành kinh tế mũi nhọn

Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch khá lớn với nhiều điểm du lịch, bãi biển… thu hút đông đảo du khách. Thế nhưng, nguồn nhân lực du lịch lại đang thiếu và yếu, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

Một thực tế hiện nay, người dân vẫn còn mơ hồ về khái niệm làm du lịch. Có người không hiểu, có người hiểu một cách thiển cận và lệch lạc. Bởi vậy, muốn phát triển ngành, nghề du lịch, đặc biệt là muốn đào tạo tốt nguồn nhân lực thì việc làm đầu tiên là phải thay đổi tư duy của xã hội về ngành nghề này.

Chính vì cách nhìn lệch về nghề du lịch của một bộ phận người dân vô hình trung gây khó khăn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Đặc biệt, khi công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch vẫn đang trong tình trạng hết sức đáng buồn, như cách nói của người trong cuộc là “đào tạo vét” – không biết học gì mới đi học du lịch. Đáng nói, dù đến tận giảng đường để tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên thiếu nhân lực, nhất là nhân lực được qua đào tạo bài bản.

Để phục vụ cho ngành du lịch, khai thác hết tiềm năng vốn có về biển, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, Hà Tĩnh hiện đang xây dựng, triển khai Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là đề án quan trọng trong thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch nói riêng, kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh nói chung và xác định phát triển du lịch là xu hướng tất yếu.

Thiên Cầm điểm du lịch tuyệt đẹp cho du khách thập phương

Không thể phủ nhận Hà Tĩnh có rất nhiều thế mạnh về du lịch. Bởi đây là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa giàu bản sắc với gần 500 di tích, danh thắng với đủ loại hình như: Khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích… nhiều di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, nhiều hình thức diễn xướng độc đáo như ca trù, ví, giặm… Hà Tĩnh có một trầm tích văn hóa giàu có, đặc sắc làm nên diện mạo của một vùng đất, một miền quê sơn thủy hữu tình.

Đó là tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình văn hóa, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa. Hiện nay, Hà Tĩnh có 426 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 77 di tích cấp quốc gia và 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú, được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; đặc biệt dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là Di sản tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 261 cơ sở lưu trú với hơn 5.000 phòng; có gần 1.000 nhà hàng kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch. Nhiều dự án như: Trung tâm thương mại cao cấp Vincom Plaza Hà Tĩnh; khu hoạt động giải trí phục vụ khách du lịch công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh của Vingroup và tổ hợp dịch vụ sân gôn 18 lỗ, thể thao giải trí của Công ty Hồng Lam Xuân Thành… nhiều khu, điểm du lịch đã và đang tiếp tục được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư xây dựng.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị góp ý kiến cho “Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Dịch vụ, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” này là yêu cầu bức thiết.

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nghề này ở Hà Tĩnh vẫn chưa được chú trọng. Hiện nay, mới chỉ có Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du có Khoa Văn hóa du lịch. Cô Hoàng Lệ Minh – Phó trưởng Khoa Văn hóa du lịch cho biết: “Khoa hiện có 8 lớp với hơn 500 sinh viên (bao gồm đào tạo tập trung và liên kết) theo học các ngành, nghề như: nghiệp vụ buồng, nhà hàng, quản lý khách sạn, chế biến món ăn, hướng dẫn viên, pha chế đồ uống. Toàn trường hiện có 30 giáo viên trực tiếp giảng dạy về du lịch và hơn 20 giáo viên thỉnh giảng”.

Tập trung phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đào tạo nghề trên địa bàn, kết hợp với bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ. Nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường đã liên kết với các trường có uy tín như: Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Huế… và các khách sạn lớn trên địa bàn như: BMC, Ngân Hà (TP Hà Tĩnh), Mường Thanh (Kỳ Anh), Khu du lịch Quỳnh Viên (Thạch Hải) để tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận thực tế và kiến tập, thực tập, thực hành nghề nhiều hơn.

Thời gian tới, cần quan tâm cho công tác đào tạo ngành nghề du lịch để cung ứng đủ nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng; xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh công tác truyền thông để đẩy mạnh số lượng du khách tìm đến quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo: infonet.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục