CEO Tập đoàn Mường Thanh: “Tôi muốn chạm vào sự rung cảm của du khách!”

Năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng ngoạn mục của Tập đoàn Mường Thanh khi có tới 10 khách sạn tiêu chuẩn 4 và 5 sao đi vào hoạt động. Ngay những ngày đầu năm mới 2017, Tổ hợp khách sạn 5 sao và Trung tâm thương mại tại TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) được đưa vào vận hành. Nhưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Thị Hoàng Yến lại nói rằng, hành trình của Mường Thanh còn rất dài, ở phía trước.

Chọn cuộc chơi bài bản

20   năm   trước,   Mường Thanh khởi công xây dựng khách sạn đầu tiên tại Điện Biên. Khi ấy, Mường Thanh là một doanh nghiệp nhỏ xíu và đậm dấu ấn của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản.

Tới nay, Mường Thanh có trong tay chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam với 53 khách sạn, và dự án khách sạn trải dài khắp đất nước và vươn ra khu vực như tại thủ đô Viêng Chăn, Lào.

Hoàng Yến là con gái lớn của đại gia Lê Thanh Thản, có mặt trong chuỗi khách sạn của gia đình trong thế không hề có chủ đích. Cô tu nghiệp 5 năm ở Anh, ngành tài chính tiền tệ của Đại học Birmingham (Anh Quốc). Trước khi đi học, gia đình chưa có kế hoạch phát triển chuỗi khách sạn Mường Thanh lớn như ngày nay, cô cũng không lên kế hoạch sẽ kinh doanh ngành khách sạn.

Nhưng, công việc đầu tiên của Yến khi về nước là thực tập quản lý tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội. Khi đó Chủ tịch Tập đoàn, ông Lê Thanh Thản nói, ông chỉ giao trọng trách nếu con có năng lực. Hoàng Yến có tố chất của nhà quản lý và cô trở thành Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn ở tuổi 30. Ông Thản đã không nhìn nhầm người.

DSC_3723

TGĐ Lê Thị Hoàng Yến tại lễ khai trương khách sạn Mường Thanh Luxury Cà Mau.

Năm 2011, Lê Thị Hoàng Yến thành lập Văn phòng điều hành Tập đoàn từ 2 – 3 người, đến nay đã phát triển với hơn 100 nhân sự. Hệ thống khách sạn được quản lý theo mô hình dọc – chéo, tức là, ở các khách sạn có bộ máy quản lý vận hành như thế nào thì Văn phòng tập đoàn cũng có giám đốc chức năng tương ứng. Đây là cách giám sát quản lý cả hệ thống theo tiêu chuẩn thống nhất, theo bộ nhận diện thương hiệu đã được quy chuẩn.

Thuộc thế hệ doanh nhân trẻ, Hoàng Yến rất thích áp dụng những điều mới, công nghệ thông tin và nhiều chương trình quản trị hiện đại trong hoạt động của Tập đoàn. Cô đã kiên quyết mời các chuyên gia châu Âu cùng tham gia xây dựng Quy trình thao tác chuẩn (SOP) với những quy chuẩn, yêu cầu chặt chẽ trong từng nghiệp vụ. Nhân sự các mảng đều được đào tạo theo SOP, sau đó mới bắt đầu vào việc tại các khách sạn. Nhân sự trong chuỗi có thể được điều động linh hoạt để đảm bảo năng suất lao động tối ưu khi các khách sạn có mùa cao, thấp điểm khác nhau theo vùng.

Giấc mơ thương hiệu Việt

Là ngành dịch vụ mới mẻ và đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng, Yến hiểu sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm và trải nghiệm điều hành ở các nhân sự vô cùng quan trọng. Bởi vậy, CEO trẻ tuổi này đặc biệt chú trọng các kế hoạch đào tạo.

Hàng năm, Mường Thanh tổ chức các hội nghị giám đốc điều hành toàn quốc để các vị trí quản lý gặp gỡ, trao đổi và nêu câu hỏi với Ban tổng giám đốc. Mọi câu hỏi đều được thảo luận để có câu trả lời thỏa đáng…

Đặc biệt, chất keo kết dính mọi người chính là sứ mệnh, tâm huyết cùng nhau xây dựng thương hiệu khách sạn Việt ngày một uy tín chuyên nghiệp hơn, có thể sánh ngang với các thương hiệu quốc tế khác đang có mặt gần như đầy đủ tại Việt Nam.

“Nhiều người hỏi tôi sao không hợp tác với một tập đoàn nước ngoài nào đó cho đỡ mệt. Cả câu hỏi Mường Thanh đầu tư xong có bán khách sạn như một số tập đoàn tư nhân trong nước đã và đang làm không? Câu trả lời là không. Dù vất vả bao nhiêu, chúng tôi vẫn kiên trì xây dựng thương hiệu khách sạn Mường Thanh. Mong muốn của chúng tôi là đóng góp cho ngành du lịch, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt, đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn”, Yến chia sẻ.

Để giữ vững chiến lược này, khó khăn không ít. Chẳng hạn, khi khai trương Mường Thanh Viêng Chăn (Lào), Hoàng Yến và cộng sự đối mặt với vô vàn thách thức, như rào cản văn hóa, ngôn ngữ; nguồn nhân lực địa phương thiếu trầm trọng; khó khăn khi điều chuyển nhân sự trong tập đoàn hỗ trợ.. Rồi cả việc thiếu hụt nguồn/nhà cung cấp chuyên nghiệp cho công cụ dụng cụ, thực phẩm, vật phẩm tiêu hao thường xuyên… Cô đã từng bước khắc phục, đặc biệt là thực hiện việc thuyên chuyển/tuyển dụng 70% nhân sự người Việt có kinh nghiệm và lành nghề sang làm việc từ 1 đến 2 năm. Họ sẽ có trách nhiệm trực tiếp đào tạo, chuyển giao quy trình chuyên nghiệp cho nhân sự địa phương.


Bà Lê Thị Hoàng Yến – TGĐ Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh: “Dù vất vả bao nhiêu, chúng tôi vẫn kiên trì xây dựng thương hiệu khách sạn Mường Thanh, đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn”.


“Nếu không có lòng yêu nghề và gắn bó với Tập đoàn như gia đình lớn của mình, sẽ khó để các nhân sự cống hiến và chấp nhận làm việc trong môi trường nhiều thách thức đến vậy”, vị tổng giám đốc kể lại.

Sau Lào, Ban lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể tại đâu, do còn rất nhiều dự án trong nước đang triển khai và sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong thời gian tới. Dự kiến đến đầu năm 2018, việc đầu tư này mới tạm kết thúc. Tuy nhiên, Hoàng Yến cũng chia sẻ rằng, nếu có cơ hội thuận lợi, Campuchia, Myanmar, Australia và Mỹ sẽ là những thị trường tiếp theo mà Mường Thanh cân nhắc lựa chọn khi mở rộng phạm vi hoạt động.

Đến cuối năm 2016, Hoàng Yến và các cộng sự đã cơ bản hoàn tất tổ chức lại chuỗi khách sạn Mường Thanh theo các cấp và tiêu chuẩn như Luxury (5 sao), Grand (4 sao), Holiday (4 sao) và Mường Thanh (3 sao). Theo đó, cả đội ngũ nhân sự nội bộ tập đoàn và khách hàng cùng có sự nhận diện thương hiệu rõ rệt, gắn với chất lượng và dịch vụ phù hợp trên từng phân khúc.

Thị trường rất rộng lớn

Khi nói về triển vọng ngành và vị thế của Mường Thanh trên bản đồ du lịch Việt, Tổng giám đốc Lê Thị Hoàng Yến nói, thị trường vô cùng rộng lớn, nhưng thách thức cũng vô cùng lớn.

Hoàng Yến hiểu rất rõ rằng, để đứng vững và tiếp tục phát triển, khẳng định được thương hiệu là điều không dễ dàng. Song cô tin tưởng rằng, triển vọng của thị trường còn rất tiềm năng bởi du lịch đã được Chính phủ tập trung coi là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Nhìn sang lượng khách nội địa và quốc tế của Singapore, Thái Lan, Malaysia, du lịch Việt Nam mới chỉ là đứa trẻ.

_DSC7628

TGĐ Lê Thị Hoàng Yến tặng hoa cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại lễ khai trương Mường Thanh Grand Con Cuông.

Cô cho rằng, du lịch Việt Nam mới chỉ cung cấp những sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của du khách chứ chưa cung cấp được những dịch vụ để thỏa mãn những kỳ vọng ở mức cao hơn. Mặt khác những động thái hay hoạt động xúc tiến du lịch chưa được đồng bộ dẫn đến việc khách hàng chưa nhận được đầy đủ thông tin về điểm đến.

Cô cũng hiểu rằng, chúng ta chưa chạm đến và làm rung cảm được sự thỏa mãn khát khao khám phá chiều sâu văn hóa, con người bản địa của du khách. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy và so sánh khi du lịch những nước trong khu vực và thế giới.

“Du lịch là một ngành phát triển liên ngành và năng động. Đó vừa là điểm mạnh, cũng vừa là khó khăn trong quá trình cung ứng dịch vụ. Một hệ thống liên ngành muốn phát triển vững mạnh thì cần phải có sự đồng bộ. Đồng bộ trong sự phát triển của từng doanh nghiệp, trong từng ngành nghề cấu thành ngành du lịch, trong việc đào tạo mỗi con người làm dịch vụ, trong nhận thức của người bản địa đối với việc làm du lịch và phát triển ngành du lịch”, vị CEO trẻ tâm sự.

Hiện tại, Hoàng Yến đang dành nhiều sự quan tâm tới chính những du khách Việt. Cô tính, với số dân hơn 93 triệu người, nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, du khách Việt sẽ trở thành một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy nền du lịch nội địa phát triển.

Hoàng Yến nói: “Họ sẽ là những người bền bỉ nhất, kiên nhẫn nhất trong việc đòi hỏi nền du lịch nước nhà phải đổi mới và phát triển. Đây chính là áp lực, song cũng chính là khát vọng của chúng tôi – đó là đặt chân được vào sự lựa chọn của du khách Việt bằng thương hiệu Việt”.


Bà Lê Thị Hoàng Yến – TGĐ Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh: “Mỗi ngày, chúng tôi có thêm những vị khách mới, với những sở thích, phong cách, kỳ vọng mới, đòi hỏi chúng tôi phải đổi mới và phát triển mỗi ngày. Chúng tôi chỉ chạm được vào sự rung cảm du khách khi bắt đầu công việc của mình bằng cảm xúc và sự chuyên nghiệp”.


Phong Lan – Báo Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục