Thị trường khách sạn Việt Nam được nhìn nhận vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên cơ hội đang mở ra đồng đều cho tất cả.
Ngành du lịch đang đứng trước ngưỡng cửa bùng nổ. Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam lên đến 12,9 triệu lượt, tăng 29% so với năm trước. Riêng TP.HCM trong năm qua cũng đã đón khoảng 6,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,8% so với năm 2016.
Xu thế này mang lại niềm vui cho các chuỗi khách sạn từ 3-5 sao. Tại TP.HCM, theo hãng nghiên cứu thị trường Savills, công suất cho thuê phòng vào quý IV/2017 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua khi đạt tỷ lệ 76%. Trong mùa cao điểm khách du lịch quốc tế, tất cả các hạng khách sạn đều hoạt động tốt khi công suất tăng đến 12 điểm phần trăm theo quý. Công suất phòng tốt nhất thuộc về phân khúc 4 sao với tỷ lệ cho thuê vào khoảng 80%, thấp hơn một chút là phân khúc 5 sao, 3 sao.
Hà Nội cũng chứng kiến kết quả lạc quan. Công suất cho thuê trung bình tăng 6 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm. Phân khúc 5 sao duy trì tình hình hoạt động tốt với công suất trung bình đạt khoảng 80%. Giá thuê phòng trung bình toàn thị trường tăng 3% theo quý và 17% theo năm. Doanh thu phòng trung bình tăng 12% theo quý và 24% theo năm.
Nhận thấy cơ hội lớn từ ngành công nghiệp không khói nên nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn đổ hàng nghìn tỷ đồng tham gia vào thị trường. Tiêu biểu như BRG Group – một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất hiện nay mới đây đã hợp tác với Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Hilton Worldwide phát triển hai dự án liên tiếp tại TP.HCM và Vũng Tàu, đồng thời nâng tổng số khách sạn mà Hilton tham gia tại Việt Nam lên con số ấn tượng là 12, tính đến cuối năm 2017.
Một chuỗi khách sạn khác đã mở rộng khá nhanh trong thời gian qua là TTC Hotels của tập đoàn Thành Thành Công. Hiện TTC Hotels đang vận hành 12 khách sạn, resorts trải rộng trên nhiều tỉnh thành ở khu vực miền Nam. Còn có thể kể đến các nhà đầu tư nổi tiếng khác như: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Vingroup, Sungroup, Mường Thanh, Trần Thái Group, Silver Land, A25… với nhiều khách sạn có vị trí đắc địa tại các thành phố lớn. Sức hút của thị trường Việt Nam cũng khiến quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus thành lập liên doanh đầu tư vào khách sạn với VinaCapital trị giá 300 triệu USD.
Nhìn chung, thị trường khách sạn Việt Nam được nhìn nhận vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên cơ hội đang mở ra đồng đều cho tất cả. Tốc độ gia tăng của du khách quốc tế, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện dự kiến sẽ tiếp tục tác động tích cực đến ngành trong khoảng 5-10 năm nữa.
Dù vậy thị trường này vẫn còn đó một số rủi ro đáng kể, nhất là tốc độ tăng trưởng của khách du lịch thường có tính chu kỳ theo sát sự biến động của nền kinh tế. Còn nhớ vào năm 2014, ngành du lịch của Bình Thuận đã chịu cú sốc rất lớn khi lượng du khách Nga chiếm tỷ lệ lớn nhất đột ngột sụt giảm vì kinh tế nước này suy thoái và đồng ruble mất hơn nửa giá trị so với đồng USD. Ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây không lâu, nhiều khách sạn 5 sao cũng rao bán mình vì lợi nhuận tạo ra không đủ hấp dẫn khi so sánh với các kênh đầu tư khác.
Áp lực cạnh tranh cũng lớn hơn khi nguồn cung đổ vào thị trường trong 3 năm tới dự kiến lên đến hàng chục nghìn phòng. Các chuỗi khách sạn còn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các phân khúc nhà ở nhưng lấn sân sang khách sạn như officetel, homtel, căn hộ dịch vụ… Đi cùng với đó là xu thế đang bùng nổ của kinh tế chia sẻ, khi chủ nhân các căn hộ mở rộng kinh doanh cho thuê thông qua các công cụ chia sẻ trực tuyến như Airbnb.
Có thể nói, bài toán cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận là không hề dễ cho nhiều chủ đầu tư. Để thành công, các khách sạn phải tự chủ động nâng cấp chất lượng phục vụ, sáng tạo thêm các dịch vụ mới, tạo không gian trải nghiệm tốt hơn cho khách lưu trú. Một tin vui cho ngành du lịch là sắp tới đây, việc cho phép người Việt tham gia casino có thể tạo thêm động lực mới cho ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa và dòng vốn đổ vào thị trường này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.
Theo Nam Minh/thoibaonganhang.vn