Kỳ vọng đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn và là bài toán khó giải quyết khi hạ tầng kết nối tới các địa phương trọng điểm và các khu du lịch cao cấp còn nhiều hạn chế.
Câu chuyện phát triển hạ tầng du lịch không chỉ là vấn đề nhức nhối của riêng ngành Du lịch trong nhiều năm qua. Trong vài năm trở lại đây, ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào GDP của đất nước. Tính đến đầu năm 2017, nước ta đã có hơn 20.100 cơ sở lưu trí, tăng hơn 1.5 lần so với giai đoạn năm 2011 – 2015. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển các cơ sở lưu trú và buồng phòng, nhiều dự khu vui chơi – giải trí, dịch vụ tiện ích du lịch của các tập đoàn lớn cũng được mở ra như: Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An), Công viên giải trí của tập đoàn Sun Group, VinGroup, Khu du lịch sinh thái của tập đoàn Mường Thanh, FLC… mang đến đa dạng lựa chọn các loại hình du lịch cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của du lịch chính là hệ thống cơ sở vật chất du lịch cao cấp phát triển mạnh, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng có khả năng và nhu cầu chi tiêu cao, lưu trú dài ngày”.
Ảnh Internet
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở bài toán về chất lượng cơ sở lưu trú, mà cả từ các hạ tầng giao thông phục vụ cho việc di chuyển giữa các vùng du lịch. Có thể nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore. Trước khi xây dựng những cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, họ đầu tư về đường xá, giao thông sao cho khách du lịch có thể di chuyển đến địa điểm tham quan một cách dễ dàng và “đỡ mất sức” nhất. Hàng loạt những đường ray vận chuyển tự động nối từ cổng các tuyến tàu điện ngầm đến cổng khu vui chơi được thiết kế, những tuyến giao thông công công như; tàu trên cao, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm đều được thiết kế để đi qua những địa điểm du lịch nổi tiếng. Hoặc nếu như tuyến giao thông công cộng không đi qua, các nhà đầu tư dịch vụ đều có phương án xe đưa đón du khách vào thăm quan, đem đến sự thoải mái, tiện lợi cho khách tham quan.
“Đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú là một vế, nhưng vế còn lại cần phải quan tâm là làm sao để đưa khách đến các khu du lịch một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thực tế, rất nhiều khu du lịch, resort được đầu tư khá bài bản, nhưng tại sao không đón được khách. Vấn đề không nằm ở chất lượng dịch vụ tại khu du lịch đó, mà vấn đề nằm ở việc du khách họ ngại di chuyển trên một quãng đường quá xa bằng ô tô hay các phương tiện khác do cơ sở hạ tầng như sân bay, tàu cảng,…không đáp ứng nổi”, ông Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch chia sẻ.
Hiện nay, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có đề ra ưu tiên cho phát triển hạ tầng, các địa phương có thể bám sát vào đó để huy động vốn. Tuy các quy định về mô hình PPP vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng đã có nhiều cải thiện so với trước đây,. Đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng giúp ngành du lịch Việt Nam bắt kịp được Malaysia và Singapore trong 3 – 4 năm tới.
Tâm Bảo
Theo: Tinnhanhchungkhoan