Dịch vụ lưu trú chiếm 70% doanh thu ngành Du lịch

Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam” do Hiệp hội Khách sạn Việt Nam phối hợp với Sphere Conferences tổ chức tại TP.HCM.

Đây là sự kiện du lịch mang ý nghĩa thiết thực trong việc xúc tiến đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác trao đổi, cung cấp các giải pháp và thông tin dự án mới cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch ( CSLTDL ).

1

Toàn cảnh Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam.

Đến dự có Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Thị Hồng Xoan, đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trên cả nước và đông đảo các nhà đầu tư, điều hành và cung ứng dịch vụ cho khách sạn, các đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp cho các khách sạn trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Thị Hồng Xoan trình bày tổng quan về thực trạng đầu tư và kinh doanh CSLTDL ở Việt Nam, với sự ra đời của hàng loạt khách sạn ( KS ) và các loại hình CSLTDL cao cấp ở tất cả các vùng miền trên cả nước đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế -xã hội.

2

Các đại biểu tại Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam.

Hiện tại, tổng số phòng CSLTDL tăng từ 69 nghìn phòng vào năm 2001 lên đến 420 nghìn phòng năm 2016. Và đến nay có hơn 21 nghìn CSLTDL ngày càng đa dạng, phong phú, ngoài khách sạn, nhà nghỉ đã hình thành nhiều loại hình khác như : khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, … đã góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm với các nước phát triển du lịch trong khu vực. Đặc biệt CSLTDL có quy mô lớn được đầu tư tập trung ở các trung tâm du lịch và khu vực ven biển ở : Nha Trang, Mũi Né ( Phan Thiết – Bình Thuận ), Phú Quốc, Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM. Và, hiệu quả kinh doanh hệ thống CSLTDL chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, giảm kẹt xe, phát triển và mở rộng sân bay, mở các đường bay mới. Bên cạnh đó cần hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư, tạo cơ chế, điều kiện ưu đãi thu hút nhà đầu tư; dành quỹ đất để xây dựng CSLTDL theo quy hoạch, công khai quy hoạch phát triển CSLTDL trên địa bàn trong từng thời kỳ để góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm với các nước phát triển du lịch trong khu vực, bà Đỗ Thị Hồng Xoan cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng của hệ thống CSLTDL, khách sạn ở Việt Nam trong những năm gần đây khá cao và ngày càng được nâng cao, thu hút đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam. Cả năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 10 triệu lượt khách và khách du lịch nội địa tăng hơn 62 triệu lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong năm 2016 đạt hơn 400 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với năm ngoái.Trong 3 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.

3

Các đại biểu, diễn giả thảo luận đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam.

Đặc biệt, Du lịch là một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất ở nước ta, với hơn 4 tỷ USD mỗi năm, tính đến hiện nay các hoạt động du lịch đã thu hút khoảng 3 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, ở đâu phát triển du lịch, ở đó đời sống của cộng đồng dân cư được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu, diễn giả trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan quản lý, các tập đoàn đầu tư KS, bất động sản, các đơn vị thiết kế tư vấn đã thảo luận về vai trò và xu hướng phát triển KS, cùng nhau trao đổi, tăng cường hợp tác và đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá để du lịch Việt Nam đạt được những thành quả mới.


Tập đoàn Mường Thanh là tập đoàn kinh doanh khách sạn có 12% thị phần trên cả nước, trong đó chiếm khoảng 10% tổng số phòng lưu trú tiêu chuẩn 4 – 5 sao. Tổng số lượng phòng tính đến hết 31/12/2016 đạt 8108 phòng. Trong năm qua, hệ thống khách sạn Mường Thanh đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách, đạt tỷ lệ lưu trú trên 50%. Tổng doanh thu vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng, vượt 2,5% so với kế hoạch đề ra ban đầu.


Theo Báo Du lịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục