Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa có buổi làm việc với TCDL về việc thực hiện đồng bộ, nhanh, quyết liệt và có hiệu quả những giải pháp nhằm giữ đà tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đạt chỉ tiêu tăng trưởng 30% trở lên.
Được Chính phủ đánh giá rất cao trong các phiên họp thường kỳ, du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện nay và được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng lượng khách quốc tế khoảng 30% trong năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đón 6.206.336 lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm ước đạt 40,7 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 254.700 tỉ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế cả năm từ 30- 50% mà Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo ngành Du lịch cần tập trung vào năm nhóm giải pháp căn cơ, cụ thể, làm việc ngay với các cơ quan liên quan để đạt hiệu quả cao nhất. Một là phối hợp chặt chẽ với Cục Cửa khẩu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để triển khai tốt công tác thống kê chính xác và đầy đủ lượng khách đường bộ và đường biển.
Hai là phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là những địa phương là các địa bàn du lịch trọng điểm, có dư địa tăng trưởng như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng… và cùng Sở Du lịch, các công ty du lịch hàng đầu ở các tỉnh/ thành này tìm ra những giải pháp then chốt để tăng cường thu hút thêm khách quốc tế.
Ba là phối hợp với các địa phương, các công ty lữ hành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, cần thì đẩy sớm hoạt động xúc tiến lên, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, đồng thời làm việc với các hãng hàng không để đẩy mạnh kết nối các đường bay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, phải giữ được nhịp tăng trưởng của các thị trường truyền thống, thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường gần như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… Thậm chí phải chấp nhận có nhiều đối tượng khách cả cao cấp lẫn khách giá rẻ ở các thị trường này. Đã xác định du lịch là ngành kinh tế thì phải để nó vận hành theo đúng quy luật, bản chất của ngành kinh tế và để thị trường điều tiết. Tất nhiên phải tăng cường quản lý, sai đâu sửa đó, vướng đâu tháo gỡ đấy, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp lữ hành tham gia vào hoạt động xúc tiến, quảng bá; phối hợp hiệu quả giữa các bên trong chính ngành mình.
Bốn là nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách, chấn chỉnh và xử phạt nghiêm những hành vi sai phạm, hành vi phản cảm gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết triệt để những vụ “chặt chém” khách du lịch, ép khách, lừa đảo khách; ô nhiễm môi trường; ứng xử với người nước ngoài thiếu thân thiện như một số trường hợp gần đây.
Năm là đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá về vẻ đẹp các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới, các chính sách thông thoáng của Việt Nam để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam và kích cầu du lịch trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Trong 6 tháng cuối năm, ngành Du lịch cần tập trung thực hiện đồng bộ, nhanh, quyết liệt, cụ thể, thiết thực và có hiệu quả những giải pháp trên, qua đó giữ vững đà tăng trưởng lượng khách quốc tế. Những việc đơn giản, làm được ngay thì tập trung làm trước và phải hành động ngay; những việc phức tạp hơn, cần nhiều thời gian hơn thì cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm”.
Theo: Báo Văn hóa Online