Bạn bè đi du lịch Lý Sơn về bảo với tôi: Lý Sơn xứng đáng là “đảo ngọc”, là “thiên đường du lịch”… Như để chứng minh cho những lời ngợi khen, họ khoe không ít bức hình non cao biển rộng xanh ngắt một màu, bờ cát trắng mịn, vách đá hình thù lạ kỳ… Nhưng nếu vậy, Lý Sơn khác gì Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc…. Chắc phải có gì khác biệt mới thu hút được ngày càng nhiều người đến với hòn đảo tiền tiêu này.
Lời giải cho thắc mắc của tôi có thể thấy ngay bởi giao thông đến với hòn đảo tiền tiêu rất thuận lợi. Đang cách Lý Sơn cả ngàn cây số, chỉ mất hơn 3 giờ đồng hồ từ miền Bắc hay miền Nam xa xôi để đến với đảo Lý Sơn ở giữa khúc ruột miền Trung nắng gió. Đầu tiên là hạ cánh ở sân bay Chu Lai, đi thêm gần 50 cây số là đến cảng Sa Kỳ và trên tàu cao tốc là đã thấy thấp thoáng cù lao Ré (tên dân gian của đảo Lý Sơn) như câu ca bao đời nay: “Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”. Trên tàu cao tốc, tôi bắt chuyện với Mai Lan-cô sinh viên Hà Nội đang đi du lịch với đám bạn cùng lớp. Có chút kinh nghiệm đi biển nên tôi khuyên Mai Lan không nên lên boong tàu ngắm cảnh như vậy rất dễ say dù bây giờ là tháng 6 biển êm.
Lên đến đảo rồi, những người khó tính ắt sẽ nhíu mày bởi người đông chen chúc, nhà cửa lộn xộn và rác khá nhiều. Những hình ảnh đầu tiên của Lý Sơn làm tôi không khỏi thất vọng. “Đảo ngọc”, “thiên đường du lịch” đây sao? Chí ít đi đến chục quốc gia, đến những hòn đảo du lịch, tôi tin những danh xưng dành cho Lý Sơn đang là những lời khen hơi quá!
Minh họa: Tô Ngọc.
Lưu trú ở Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn 4 sao, nhìn từ trên cao mới bắt đầu cảm nhận thấy vẻ đẹp thanh bình của hòn đảo. Phía trước là bờ biển xanh ngắt đến chân trời, nhìn phía sau là màu xanh vàng của những ruộng hành, tỏi bạt ngàn đẹp như tranh vẽ. Nhìn ngắm kể cũng thú vị khi nằm sát một khách sạn 4 sao hiện đại là những ruộng hành, tỏi mộc mạc. Dịch vụ du lịch và nông nghiệp thật sự đang có mối quan hệ “cộng sinh”! Đi ra ruộng tỏi gần đó, tôi gặp lão nông Trần Tùng, người Lý Sơn thân thiện, sẵn sàng nói chuyện với khách, mỗi tội giọng nói chẳng dễ nghe chút nào. Ông kể, người dân Lý Sơn đã phải “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” ở hòn đảo hình thành từ vụ phun trào núi lửa hàng chục triệu năm trước. Mỗi năm, trước khi vào mùa vụ người dân Lý Sơn lại lên núi gánh đất núi lửa màu mỡ, xuống biển lấy cát trộn lẫn với nhau, trải đều lên mặt ruộng, rồi mới xuống giống. Giờ đây, giữa những ruộng hành tỏi, những đường ống nhựa dẫn nước ngọt len lỏi để tưới nước nhỏ giọt, đỡ bao sức người. Hành tỏi Lý Sơn và các sản phẩm làm từ hành tỏi từ lâu đã thành đặc sản bày bán nơi nơi, giúp cho người dân ở đây có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng trước sức ép của du lịch, hạ tầng, diện tích trồng hành, tỏi thu hẹp lại là điều hiển nhiên. Đã vậy, theo lời ông Trần Tùng, giờ lớp trẻ nhiều người chuyển sang làm trong nhà hàng, khách sạn, quán ăn không còn tha thiết chăm chút cho ruộng hành tỏi nữa. Không hiểu sao, tôi linh cảm người Lý Sơn gắn bó với loại cây trồng này đã bao thế hệ, họ hiểu được giá trị của những luống hành, tỏi, không đơn thuần là chuyện “trồng cây gì” mà danh xưng “vương quốc hành tỏi” của đảo Lý Sơn chính là một “thương hiệu” du lịch. Vậy nên, tôi tin dù du lịch đang giành đất của nông nghiệp nhưng chắc chắn diện tích trồng hành tỏi sẽ phải giữ một mức nào đó, chứ không ai dại gì phá bỏ sạch, phá vỡ cảnh quan tươi đẹp vốn có.
Niềm tin không lý giải rõ ràng của tôi càng được củng cố khi đi thăm những di tích lịch sử văn hóa trên đảo về đội hùng binh Trường Sa kiêm quản Bắc Hải, chùa Hang… Trên đảo bây giờ vẫn truyền tụng câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Hễ nhắc đến quá khứ, người dân Lý Sơn từ già đến trẻ hào hứng lắm! Hàng trăm năm trước, đội Hoàng Sa ấn định số lượng 70 người, được tuyển chọn trong số trai tráng khỏe mạnh của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Đội tinh binh khởi hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa tìm kiếm sản vật đồng thời canh giữ lãnh hải trong thời gian 8 tháng mới được trở về. Người xưa đâu có trang thiết bị cảnh báo áp thấp nhiệt đới hay bão biển nên chuyện người đi không về nhiều vô kể. Mỗi năm, cứ đến ngày 16-3 âm lịch, các tộc họ trên đảo linh đình tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Thật tiếc, tôi lại đến đảo muộn khi lễ hội đã diễn ra, đành phải đợi đến lần sau để chứng kiến lễ hội tri ân tiền nhân. Dấu tích người xưa vẫn còn tồn tại với những ngôi “mộ gió” không hề có xương cốt, được nhân dân tôn vinh mà đắp nên. Ngày nay, người dân Lý Sơn tự hào là con cháu những binh lính vì việc nước mà sẵn sàng ra biển không ngại gian khổ, hy sinh.
Đến Lý Sơn, phương tiện di chuyển lý tưởng là xe gắn máy. Vừa chở tôi rong ruổi khắp đảo, anh Phan Hữu Dân vừa kể về những câu chuyện thật thú vị. Vốn là ngư dân nhưng giờ đi biển thu nhập chẳng bao nhiêu mà vất vả, nên từ khi có điện (năm 2014), du lịch phát triển, anh bỏ đi biển về nhà chở khách tham quan đảo và làm thêm một vài dịch vụ khác, thu nhập cũng khá. Anh tin rằng, lượng khách đến Lý Sơn sẽ càng đông nữa bởi Lý Sơn sẽ thay đổi từng ngày để trở thành hòn đảo du lịch. Anh đưa tôi lên đỉnh Thới Lới rồi chỉ tay bảo: Lý Sơn trước kia nhiều rừng nhưng vì không có điện người dân phải lên núi đốn hạ cây mang về làm chất đốt. Nhưng nay có điện rồi, Nhà nước đang đầu tư trồng rừng để Lý Sơn phủ một màu xanh, vừa bảo vệ môi trường, góp phần thu hút du lịch. Chính quyền ở Lý Sơn cũng ban bố lệnh cấm thả trâu bò lên núi và tới đây không phát triển đàn đại gia súc trên đảo. Vài năm nữa thôi, khi cây lớn, hình hài hòn đảo xanh sẽ thành sự thực!
Chuyện trò thân tình, tôi nhận xét thẳng là thấy người ở Lý Sơn chất phác, thân thiện, không chặt chém du khách. Anh Dân bảo, “nói mắc” thì còn ai đến nữa hả chú em! Anh mời tôi về quán nhậu gia đình do cậu em trai làm chủ. Ngồi bên quán lá đơn sơ, đón gió biển, thưởng thức hải sản tươi sống, giá rẻ, thấy cuộc đời cũng đáng sống lắm! Cụng ly bia với người em trai tên Khải, mới biết số hải sản này do Khải mới đi “lượm” về. Khải kể hết mùa cao điểm du lịch, Khải lại sẽ đi biển câu cá ngừ đại đương. Khải bảo ngồi trên bờ cũng kiếm được tiền, lại nhàn nhã nhưng đi biển từ nhỏ, đi vẫn chưa đã, vẫn thèm biển lắm.
Những lời mộc mạc đó, tôi nghĩ, Lý Sơn đúng là chưa thành “đảo ngọc”, còn nhiều việc phải làm lắm. Nhưng con người Lý Sơn tôi gặp dù trong thời gian ngắn ngủi, cảm nhận cả linh khí những người đã khuất nữa, những con người vừa năng động, thích ứng nhanh với những biến đổi hiện đại mà vẫn yêu mến, trân trọng những giá trị truyền thống, không ngại khó, ngại khổ, hoàn toàn thay đổi hòn đảo tiền tiêu hoang sơ bây giờ trở thành hòn đảo xanh sạch đẹp, phồn vinh của đất nước mai sau.
Ghi chép của AN BÌNH