Hồi ức của một nhân viên buồng

Kỳ 1: Vào nghề

Năm 1992, học đại học xong, em chưa biết làm gì, chờ đúng ngành học thì chả đến lượt mình. Năm đó, Việt Nam mới mở cửa được mấy năm, còn đói khổ lắm. Hà Nội như cái làng lớn. Chỗ khách sạn Daewoo, đường Ngọc Khánh còn toàn là ruộng muống và bãi rác, đường Láng Trung (Nguyễn Chí Thanh giờ) thì như đường đất, toàn ổ voi, ổ bò và bụi mù.

Đang loanh quanh ở nhà giúp mẹ nuôi lợn thì may có ông chú làm quản lý khách sạn 2 sao ở đường giải phóng đồng ý nhận vào làm bảo vệ, lương 300 nghìn 1 tháng. Thế là may lắm rồi các bác ạ. Phở lúc đó khoảng 3 nghìn một bát, quy lương ra phở cũng được tầm 3 triệu bây giờ.

Thời đó, số khách sạn ở Hà Nội có lẽ đếm trên đầu ngón tay được: Thắng Lợi, Thống Nhất (Sofitel Metropole giờ), Dân Chủ, Thăng Long (sau liên doanh đổi tên thành khách sạn Hà Nội) là những tên tuổi lẫy lừng. Còn khách sạn em làm chỉ có 40 phòng, 2 sao nhưng cũng thuộc dạng tầm cỡ rồi. Toàn là khách Đài Loan sang đi tour và tìm cơ hội đầu tư. Giá phòng cao khủng khiếp, thấp nhất cũng 120 đô một phòng. Mà hội Đài Loan thì máu gái thế. Đêm toàn lôi ở đâu về, đông vui như hội. Em chuyên làm đêm nên thỉnh thoảng cũng được lễ tân chia cho tý “lộc”. Mang tiếng là học xong đại học và là giai Hà Nội nhưng em quê lắm các bác ạ. Đi làm toàn xỏ tông Lào, ông chú phải nhắc: “cháu phải đi giầy vào chứ, khách sạn mà”. Về nài nỉ xin mãi mẹ mới cho tiền mua đôi giầy đầu tiên trong đời, đi đau, tức hết cả chân. Mà hồi đó đi làm nghiêm túc và bôn cực. Trực đêm là cấm có ngủ chút nào. Em hay kê ghế ngồi ở hè đường, uống nước chè và đếm số toa tầu hoả chạy ngược chạy xuôi vào ga Giáp Bát bên kia đường. 6 giờ sáng, hết giờ là tọng mấy viên thuốc ngủ seduxen vào người rồi đạp xe hơn chục cây số về nhà. Vừa đi đường thuốc vừa ngấm, đến nhà là lên giường ngủ luôn. Tại em thuộc dạng khó ngủ, lại hay lo nghĩ vớ vẩn. Sinh ra, lớn lên thời bao cấp, cấm vận, cả xã hội thiếu đói, ăn bữa nay, lo bữa mai, tiền chả có nên em cũng cứ thương bố, thương mẹ mà lo nghĩ vẩn vơ. Tháng lương đầu tiên, em dành mua được cái quạt máy đế sắt mang về. Tài sản lớn và sang nhất nhà em đấy! May mà em làm bảo vệ được 2 tháng thì ông chú bảo khách đông, cháu chuyển sang giúp cho bộ phận buồng. Vậy là em chính thức bước vào nghề buồng và được làm ban ngày, chứ cứ đêm mà tái diễn seduxen thì chắc em điên mất rồi. Tổ buồng có 5 người do anh Hoa từ Sài Gòn ra làm tổ trưởng. Ảnh rất nhiệt tình, hướng dẫn, chỉ bảo em tỉ mỷ từ cách làm giường, dọn phòng và cách ứng xử với khách. Em cũng có điều kiện để tiếp cận với nhiều thứ văn minh, hiện đại hơn. Như được gọi điện thoại chẳng hạn. Điện thoại là thứ xa xỉ lắm ấy. Còn nhớ lần đầu quay số nhà đứa bạn gái học đại học cùng mà em run bắn, hồi hộp đến nỗi mẹ nó nhắc máy mà em lắp bắp nói không lên lời phải dập đi. Nhà nó giầu nhất lớp em vì mẹ làm thương mại, nhà lúc nào cũng có cả thùng mỳ tôm ăn dần, thứ mà em thích lắm nhưng chỉ đủ tiền mua vài gói một. Em được cái là học nhanh, chịu khó, chả ngại việc gì lại biết chút tiếng Anh học ở phổ thông nên được khách và đồng nghiệp quý. Ngoài lương ra thì đã có thêm tiền tip. Cái cảm giác lúc mở cửa vào check phòng out hay làm phòng ở mà thấy trên gối hay đầu giường có tờ 1 đô nó sướng lắm các bác à. Đô lúc đó khoảng hơn 10 nghìn, bằng cả ngày công rồi. Có tiền, em đi học thêm tiếng Anh buổi tối. Mặc dù nhà ở rất gần trường đại học sư phạm ngoại ngữ, nhưng tuần 3 buổi tối, em đạp xe hơn chục cây ra tận trường Lý Thường Kiệt để học bằng B, rồi C. Tan học tranh thủ qua nhà bà con trên phố chở nước gạo về nuôi lợn… Cuối năm đó bố em phát hiện bị ung thư, mẹ em chạy chăm bố nằm hết viện này đến viện khác hàng năm dòng, ở nhà chỉ có 2 anh em trai và 1 con chó chăm nhau, bữa đực, bữa cái, bữa đói, bữa no nên cả người lẫn chó gầy giơ xương, con chó còn liêu xiêu, đi không nổi.

Đến giữa năm 93, ông chú em không làm quản lý khách sạn đấy nữa cũng là lúc khách sạn Thăng Long 11 tầng, niềm tự hào của ngành xây dựng thủ đô liên doanh với tập đoàn Tungshing của Hongkong chuẩn bị khai trương khách sạn Hà Nội 4 sao. Thực sự, đó là 1 sự kiện rất lớn cho những người đang làm trong ngành. Không muốn bỏ lỡ, mấy anh em tổ buồng rủ nhau nộp hồ sơ. Khó cái là em chiều cao thì đủ, nhưng nặng thì chỉ có 41 cân mà tiêu chuẩn tối thiểu đủ sức khoẻ làm việc phải là 45. May lúc đi xin giấy khám sức khoẻ, bác sỹ chỉ “xin” 20 nghìn để ghi thêm 4 cân, đúng là rẻ hơn thịt lợn các bác ạ. Nộp hồ sơ rồi, đến ngày sơ tuyển và phỏng vấn mà em nơm nớp sợ bị loại do quá còi. Em còn nhớ, lúc đứng lên cân, cô Thành nhân sự bảo “gầy yếu quá, sao làm phòng được” thì anh đi cùng nhanh nhảu “nó gầy nhưng ngoan lắm cô ạ”, thế là cô tặc lưỡi cho qua. Đến vòng phỏng vấn với chuyên gia, chắc do em đã có kinh nghiệm và biết chút tiếng Anh nên được nhận dễ dàng. Nhưng để đi làm, mỗi nhân viên phải đặt cọc 300 nghìn. Tiền thì tháng nào tiêu hoặc đưa mẹ hết rồi, lấy đâu ra 300 đặt cọc bây giờ. Cách duy nhất là về xin mẹ. Mẹ em không cho, bảo cứ làm đấy được rồi. Em giận dỗi chán mới mở cạp quần ra đưa em 1 chỉ vàng dành dụm được bảo bán đi mà lấy tiền nộp. Vàng lúc đó 360 nghìn 1 chỉ, bằng đúng 1/10 bây giờ, chuẩn với giá phở phết các bác nhỉ…

Sau đó là thời gian đào tạo. Trưởng bộ phận buồng là anh Hiệp làm phiên dịch luôn. Em ngưỡng mộ anh Hiệp lắm ấy. Tiếng Anh từ gì cũng biết, nói chuyện với Tây nhoay nhoáy, nghiệp vụ thì cứng vì là từ Thăng Long cũ chuyển sang. Khách sạn khai trương thì em được chọn làm súp và được bố trí làm tầng VIP. VIP nhưng mà ít típ các bạn ạ. Trách nhiệm nặng nề lắm. Còn nhớ hôm em làm phòng cho nhà ngài đại sứ Singapore, có cả cái bàn thờ to đùng. Em quấn rẻ vào đầu đũa để lau cái ống của bóng đèn dầu toạ đăng, chẳng may nó nứt vỡ ra luôn. Lo sợ, em xin ra ngoài, đạp xe khắp Hà Nội tìm mua bóng mà không có loại nào vừa. Trưa về đến văn phòng, thấy nhắn, phu nhận đại sứ bảo ai làm vỡ bóng đèn lên gặp bà. Trời ơi, phen này chết mất thôi, bà ấy có tiếng là khó tính. Em gõ cửa, đứng khép nép, chờ đợi cơn lôi đình. Nhưng không, bà chỉ hỏi sao bóng đèn trên bàn thờ bị vỡ? Em trình bày, do tôi lau muội bên trong nên nó nứt vỡ, tôi đã cố tìm mua nhưng không có. Bà bảo vỡ rồi thì thôi, không sao, để tao nhờ gửi từ Sing sang…

Làm Hà Nội được gần 1 năm thì có khách sạn 4 sao, liên doanh với Đài Loan tuyển giám đốc buồng để chuẩn bị khai trương. Em cứ nộp đại hồ sơ sang và nghĩ chả bao giờ mình được tuyển. 23 tuổi đầu, trẻ ranh với chút kinh nghiệm ít ỏi. Ngày phỏng vấn, em cứ thẳng tuột chia sẻ, có gì nói nấy, vậy mà mấy chục hồ sơ cả cho buồng và các trưởng bộ phận khác mà mỗi em được nhận mới lạ chứ. Bác Tổng bảo tao với mày sẽ là nòng cốt của pre-opening team. Mày sang đây làm, giúp tao tuyển, lo đào tạo và quản lý 200 nhân viên và trưởng các bộ phận, mày làm được chứ? Húng, tất nhiên em ok ngay. Về khách sạn Hà Nội nộp đơn xin nghỉ việc. GM là bác Tiger Lee, người rất uy tín, nhân viên ai cũng rất sợ, bác cho gọi em lên văn phòng, nói chuyện, thuyết phục nửa ngày làm em ngạc nhiên là với vị trí quèn như mình mà sao bác phải mất nhiều thời gian như thế. Nể lắm, nhưng em vẫn khăng khăng, bác đành ký đơn và chúc em thành công ở vị trí mới. Thế là em đã trở thành Giám đốc buồng – Executive Housekeeper ở tuổi 23 như thế đó.

Cái chức danh “giám đốc” thời đó nó to lắm các bác à. Mọi người quen kiểu nhà máy, xí nghiệp thời bao cấp, giám đốc là có quyền sinh, quyền sát rồi mà. Về làng là em cũng có tí sung sướng, tự hào. Nghe bà con xì xào: “nó trẻ thế mà làm giám đốc cho công ty nước ngoài đấy” thấy mình cũng oách ra phết. Mà đúng là oách thật. Việc làm lúc đó hiếm lắm, rất nhiều người phải “nhờ vả” em để nộp hồ sơ đấy. Làm gì ra có Hoteljob.vn để đăng tin và nộp hồ sơ trực tuyến đơn giản, dễ dàng như bây giờ, cũng chả có email hay thậm chí là điện thoại. Khách sạn phải đăng báo Hà Nội mới và nhận hàng chồng hồ sơ giấy. Em được giao phần tiếp nhận, phân loại hồ sơ, hẹn để ông chủ và GM trực tiếp phỏng vấn và trả lời các câu hỏi của ứng viên. Lượng CV và công việc nhiều vô cùng. Các câu hỏi chủ yếu về lương, chế độ và cả những câu ngớ ngẩn như: “khách sạn thì có nhiều rận, rệp không?”, khách sạn có phải là nơi “gái gú” không? May về sau có thêm mấy bạn nhân sự. Các bác có biết người Đài Loan họ tuyển người như thế nào không? Tưởng đơn giản mà rất “thâm” kiểu Tầu nhé. Vì lúc đó cả Hà Nội rất ít người có kinh nghiệm và ngoại ngữ nên tiêu chí đặt ra là chỉ cần ngoan và xinh. Ông chủ và GM kê bàn ngồi sâu tít bên trong phòng, ứng viên đi từ cửa vào là họ đủ để quan sát hình dáng, cách đi, đứng, tác phong… Khi ứng viên ngồi xuống ghế trước mặt sẽ được “nhờ” lấy hộ cái tách uống nước. Ai bình tĩnh, ai có “giáo dục”, văn hoá tốt sẽ thể hiện lúc này bằng những việc rất nhỏ như đưa bằng 2 tay, mắt nhìn thẳng, quai tách phải quay về phía thuận cho người cầm… Với nhân viên chỉ có mỗi vậy thôi. Nhiều người ra bảo phỏng vấn mà chả thấy hỏi gì và tất nhiên nhiều người cũng không hiểu vì sao mà mình trượt hay được nhận.

Dàn nhân viên đầu tiên của khách sạn cực chuẩn, ai cũng xinh tươi, ngoan ngoãn, ý thức. Một phần vì xã hội nói chung thời đó rất thuần và … ngố. Em vừa đóng vai quản lý vừa là học viên. Khách sạn thuê ê kíp của đài truyền hình Đài Loan sang dạy kỹ lắm về tác phong, cách trang điểm, ngoại hình… Bên cạnh nghiệp vụ còn được học tiếng Trung những… 8 tháng vì khách sạn chậm khai trương. Mỗi tháng đi học, mỗi nhân viên được trả 20 đô nên cũng tạm đủ sống và chuyên tâm học. 220 người chia ra các lớp theo bộ phận: buồng, bàn bar, bếp, lễ tân, vũ trường… Trưởng bộ phận chủ yếu là người Đài Loan, Hongkong và Trung Quốc trực tiếp đào tạo. Học rất vui và chất lượng. Đúng lúc đó thì bố em mất. Bà nội em là người ưa hình thức nên rất “mát mặt” khi đám tang có rất nhiều “trai thanh, gái lịch” xinh đẹp và cả tây đến viếng. Bố mất rồi, mẹ không phải chăm ở viện nữa nên anh em em và con chó được chăm sóc tốt hơn. Lương em được 100 đô, bán được 1,1 triệu nên cũng đã đỡ vất vả hơn nhiều. Một lần chị giám đốc bộ phận phòng khách (Rooms Division Manager) người Thượng Hải, sếp trực tiếp của em túm tay em lại nói chuyện. Bàn tay con gái mà túm bắp tay em lọt thỏm. Ngượng cho mình và cho cả đàn ông Việt Nam nói chung nên em quyết định mở “chiến dịch vỗ béo”. Trước tiên phải quẳng cái thói quen lo lắng, hay suy nghĩ vớ vẩn đi, tiêm vitamin C cho mát người và dễ ngủ hơn. Tiếp đến là tẩm bổ bằng trứng gà mật ong và đi tập thể hình. Thế là em cứ tăng cân đều. Từ chỗ tong teo hơn 40 cân, em đã “có da, có thịt hơn”.

Để đáp ứng công việc khách sạn, sợ đêm hôm hay khi mình vắng mặt, khách sạn có cách liên lạc nên em đã nghiến răng lắp điện thoại cố định trả góp. Để được kéo dây điện thoại về nhà phải mất 3 triệu, mua cái máy mất thêm 600 nghìn nữa. Con số khổng lồ các bác ạ. Đầu 1995 thì khách sạn cũng khai trương sau bao tháng trì hoãn. Lương em được nâng lên 120 đô. Cuối năm thì em cũng dành dụm, vay mượn thêm mua được con Dream Thái 3 cục giá 2600 đô. Chất nhất quả đất. Em giữ và chăm nó hơn cả bản thân mình, lúc nào cũng sạch sẽ, bóng lộn. Vậy là cũng ra dáng “giám đốc” lắm rồi.

Theo Hotel Jobs

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục