Tỷ lệ khách Việt Nam lưu trú tại các khách sạn hạng sang (bao gồm cả khu nghỉ dưỡng) từ 4 đến 5 sao ngày càng tăng trong 3 năm qua. Thực tế này đang buộc các nhà đầu tư và quản lý khách sạn cao cấp ở Việt Nam thay đổi cách tiếp cận.
Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vừa được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố hôm nay, 11-7, cho thấy trong 3 năm liên tục vừa qua (2014-2016), tỷ lệ khách nội địa (thường là các thương nhân) lưu trú tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao liên tục tăng.
Gần nhất, năm 2016, tỷ lệ này là 20,4%, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2014.
Phần còn lại là khách đến từ nguồn quốc tế. Đây vẫn là nguồn khách chính cho các khách sạn cao cấp nhưng đang giảm dần.
Cũng theo báo cáo của Grant Thornton Việt Nam, khách Việt Nam chọn lưu trú ở các khách sạn hạng sang tăng cao hơn năm trước ở khu vực miền Trung (tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và miền Nam (TPHCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ…). Trong khi đó, tỷ lệ này ở miền Bắc có giảm hơn so với năm ngoái.
Thực tế này, theo Grant Thornton, cho thấy người Việt ngày càng có khả năng chi trả tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về ý nghĩa của xu hướng này, ông Tào Văn Nghệ, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Liberty tham gia buổi họp báo công bố khảo sát nói thêm, cho biết có một số chuỗi khách sạn với nhiều phân khúc hiện được người Việt chọn ở rất nhiều, chẳng hạn như Mường Thanh. Bên cạnh đó còn có nhiều khách sạn thương hiệu quốc tế. Điều này là một tín hiệu vui, cho thấy thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện và người giàu muốn được trải nghiệm những dịch vụ tốt.
Ông John Gardner, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh hữu hạn khách sạn Chains Caravelle (Caravelle Saigon Hotle) cho biết, nếu như 10 năm trước đây, khách thương gia Việt Nam không bao giờ nằm trong top 10 những nhóm khách lưu trú nhiều nhất thì nay lại nằm trong top 6, 7.
Ông Tony Chisholm, Tổng quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre, Tổng quản lý các khách sạn trong tập đoàn Accor khu vực phía Nam Việt Nam chia sẻ, bản thân tập đoàn Accor cũng đang tìm cách học hỏi để thu hút khách Việt Nam nhiều hơn.
Mục tiêu của Accor đến năm 2019 là gia tăng số khách sạn trong hệ thống lên 40-45 và phân nửa trong số này là các khu nghỉ dưỡng, nhắm đến khách người Việt. Không chỉ vậy, khách Việt cũng được kỳ vọng sẽ nằm trong top 3 các nước có công dân lưu trú nhiều nhất, trong khi những năm trước đây, con số chỉ là 3-4%.
Trở lại với báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 của Grant Thornton, có một số thông tin nổi bật khác được ghi nhận.
Chẳng hạn, giá phòng bình quân của các khách sạn 4-5 sao đã tăng 1,3% so với năm trước (trong đó khách sạn 4 sao tăng nhẹ nhưng 5 sao lại giảm nhẹ); mức lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) năm 2016 đạt mức trung bình 32,5% – tăng 1,7% so với năm trước; công suất phòng tăng 5,6%; doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPar) tăng 8%…
Theo: Thời báo kinh tế Sài Gòn Online