Tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”, là một tín ngưỡng dân gian quan trọng của người Việt. Nếu bạn quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, thì hãy ghi nhớ những điều nên và không nên làm trong tháng 7 âm lịch này.
Điều nên làm trong “tháng cô hồn”
Theo quan niệm dân gian được truyền tụng, một số điều sau mọi người nên làm trong “tháng cô hồn”:
1. Nên đi chùa chiền thắp nhang cầu siêu, cầu sức khỏe… Bạn có thể cúng cô hồn bất kỳ ngày nào trong tháng, nếu vào ngày mùng 2 hoặc 16 âm lịch thì càng tốt để tỏ lòng thành của gia đình mình.
2. Nên làm nhiều việc thiện trong tháng này.
3. Nên đi thăm mộ của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay vãng sanh đường trong chùa chiền lưu giữ các hài cốt. Vì trong tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm.
4. Trước khi dọn đồ ra cúng cô hồn, bạn chưa kịp thắp nhang khấn vái mà có những người tranh nhau giật các đồ cúng từ trên tay bạn thì ngay lập tức nên buông thả đồ cúng ra khỏi tay bạn. Nếu bạn giật lại thì hậu quả nhận được là những điều tệ hại. Nếu khi bạn chưa làm lễ cúng mà đã có người chầu chực để giật có nghĩa là tín hiệu tốt.
5. Nên hạn chế sát sinh các con vật.
6. Nên cúng xe ô tô dù có kinh doanh hay không kinh doanh.
7. Nên ăn chay để tránh điềm dữ.
8. Nếu biết tụng kinh thì nên trì tụng (Chú Đại bi, chuẩn đề, vu lan báo hiếu, Địa tạng)
9. Nên ăn nói nhã nhặn vui vẻ trong gia đình hay trong bạn bè đối tác.
10. Nên tránh xa các cuộc xung đột.
11. Nên cứu người khi gặp nguy cấp.
12. Khi cúng cô hồn xong thì 1 ngày sau đó hoặc cuối tháng 7 nên dùng bột trừ tà ma tiêu khử, tránh trường hợp các âm hương linh phảng phất vào nhà mình tụ ở lại và đồng thời vào đầu tháng 8 âm lịch thì nên dùng bột tẩy uế mà tẩy hoàn toàn trong căn nhà mình để có tác dụng cân bằng sinh khí trong ngôi nhà mình ở.
13. Nên để đèn sáng nếu nằm trong phòng bệnh viện khi ngủ.
14. Trong tháng 7 âm lịch nếu đi đâu thì bạn nên đi về sớm.
15. Nên mặc áo màu. Tuyệt đối không được mặc đồ trắng và không mặc quần áo có in hình thù quỷ quái ghê sợ.
16. Nên đi nhẹ, nói khẽ trong tháng cô hồn
17. Nếu đi đâu về muộn bạn nên đi nhanh và không nhìn lại phía sau
18. Khi đi dự đám tang về nên hơ người bằng lửa ấm, thay quần áo và hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ.
19. Nếu trước nay chưa cúng cô hồn bao giờ do không có điều kiện thì không cúng luôn, chớ nên cúng rồi lại bỏ.
Điều kiêng kị, không nên làm trong tháng “cô hồn”
Bên cạnh những việc nên làm kể trên, nhiều người còn truyền nhau những điều phải kiêng kỵ để tránh gặp tai họa, xui xẻo trong “tháng cô hồn” như sau:
1. Vào tháng này, người ta đều kiêng không làm những việc đại sự như làm nhà, cưới hỏi, chuyển nhà, nhập trạch…vì cho rằng cuộc sống sau này dễ gặp nhiều tai ương. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ký kết hợp đồng, nếu cần cho việc đại sự thì nên xem ngày cho kỹ.
2. Không thề thốt nói bậy trong buổi chính trưa, cuối chiều và rạng sáng. Nguy hiểm nhất thề thốt nói bậy ngay giờ trưa từ 11 giờ đến 12 giờ 45 phút hoặc từ 18 giờ chiều cho đến rạng sáng.
3. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
4. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.
5. Không đi về quá khuya.
6. Không tụ tập lượn lách đua xe.
7. Không mài dao kéo trong tháng này.
8. Không chở đồ cồng kềnh và chở nhiều người trên một chiếc xe.
9. Không nên và hạn chế mua xe trong tháng này. Nếu bất đắc dĩ vì một lý do nào đó mà cần phải mua xe thì nên tham khảo quý thầy chùa, sư, thầy phong thủy.
10. Không nên mua xe những ngày sát chủ, ngày kỵ thiên can – địa chi tương khắc.
11. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.
12. Không nên tự ý chặt cây có gốc to.
13. Không nên may quần áo trắng trong tháng này.
14. Không nên thả tiền thật.
15. Không được tắt đèn nếu nằm trong phòng bệnh viện khi ngủ.
16. Tuyệt đối không được cúng những đồ ăn mặn. Nếu cúng mặn có nghĩa là khơi dậy “tham, sân, si” có thể làm cho âm phần dữ tợn hơn nữa.
17. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.
18. Không được núp mưa dưới gốc cây.
19. Không mặc quần áo có in hình thù quỷ quái ghê sợ.
20. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.
Có thể thấy, những điều nên làm và cần kiêng trị trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian mà không ai hay một ngành khoa học nào có thể kiểm chứng đúng sai. Tuy nhiên, việc kiêng kỵ này cũng chỉ mang tính chất tương đối. Nếu tin vào những điều không căn cứ, dựa trên sự hiểu biết của chính mình thì rất dễ rơi vào niềm mê tín tiêu cực.
Nguồn gốc tháng cô hồn
Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 âm lịch hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Có những nơi, người ta gọi quỷ đói là “anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn quỷ đói này. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.
Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.
Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, chuyển nhà, xuất hành, mua sắm, … đều tránh tháng 7.
Theo: Giadinh.net.vn