Nỗi khổ nhân viên buồng phòng khách sạn

Để đem đến hình ảnh sạch sẽ, thơm tho, ngăn nắp cho những căn phòng khách sạn là quá trình lao động miệt mài của những nhân viên buồng phòng. Công việc thầm lặng của họ có những nỗi khổ nghề nghiệp mà không phải ai cũng hiểu.

Nhân viên buồng phòng làm việc suốt ca trong các phòng ốc khách sạn, có thể nói không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Công việc của họ khá vất vả, lau chùi, dọn dẹp, thay ra trải giường, lau chùi toilet, vật dụng trong phòng, hút bụi, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, tinh tươm…

Ở các khách sạn lớn, mỗi ngày một nhân viên được phân công dọn dẹp bao nhiêu phòng, tùy vào lượng khách đang ở trong khách sạn hoặc vừa rời đi, nếu họ làm xong sớm có thể về đúng giờ, nếu làm chưa xong khi đã quá giờ làm việc, họ vẫn phải tiếp tục ở lại làm cho xong.

Có khi gặp những phòng mà khách xả rác bừa bãi, mất vệ sinh, xáo trộn vị trí vật dụng trong phòng thì công việc của nhân viên buồng phòng càng mất thời gian và vất vả hơn. Gặp những vị khách khó ưa và không tinh ý, có thể họ sẽ làm bẩn lại ngay chỗ nhân viên vừa dọn dẹp, lau chùi xong.

Mường Thanh Hotel

Cực là thế nhưng ít khi họ nhận được lời cảm ơn trực tiếp từ khách, bởi chỉ khi nào khách rời phòng hoặc được sự cho phép khi có khách ở trong phòng, người phục vụ phòng mới vào dọn dẹp. Nhiều người còn mang định kiến nghề buồng phòng là một công việc thấp kém. Đôi khi chính những nhân viên buồng phòng cũng mang trong mình tâm lý ấy.

Bà Phan Thị Phi Thể – Nguyên Executive Housekeeper The Saigon Floating Hotel cho biết: “Tôi thường khuyên bảo họ đừng nhìn housekeeping là công việc tầm thường. Không có việc gì xấu mà chỉ có mình làm xấu. Mình phải làm việc như thế nào để người ta thấy đó là nghề đáng được học. Có nhiều người cho rằng nghề housekeeping giống như việc dọn nhà cửa, không có gì đáng để học, nhưng khi bước vào học mới thấy được cái khó của nó. Không dễ gì trải tấm drap giường cho đẹp, dọn dẹp phòng vệ sinh cho đúng tiêu chuẩn. Có nhiều bạn phải học mất 5 – 7 ngày để bung tấm drap cho gọn”.

Người nhân viên làm phòng thường phải thay đổi tư thế mỗi 3 giây/lần khi làm việc. Giả sử thời gian trung bình của một nhân viên làm một phòng là 25 phút với một ca dọn dẹp 16 phòng thì họ phải thay đổi 8000 tư thế làm việc. Hơn nữa, nhiều lúc bắt buộc phải làm việc trong những tư thế bất tiện như: nhấc tấm nệm lên, lau sàn nhà hay hút bụi dười gầm giường.

Nhiều chấn thương mà nhân viên buồng phòng có thể gặp phải trong quá trình vận động lặp đi lặp lại của mình. Công việc lao động chân tay và những động tác với cao ở các vị trí khó khăn có thể dẫn đến những chấn thương lưng, cổ, vai và cánh tay. Không gian làm việc bị hạn chế đòi hỏi nhân viên phải làm việc trong nhiều tư thế bất tiện như: đứng hay đi bộ, khom người, ngồi chồm hổm, quỳ gối, căng người, với tay, gập lưng, làm trái tay. Do đó chấn thương là điều rất dễ xảy ra.

Hoteljob.vn tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin cùng chuyên mục